Xã hội
Quảng Nam: Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số khó khăn
02:29 PM 17/10/2020
Là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, Quảng Nam luôn ưu tiên dành nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, miền núi, đời sống của hộ nghèo và cận nghèo không ngừng được cải thiện.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí huy động để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo thường xuyên của tỉnh Quảng Nam là hơn 12,3 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách về giảm nghèo bền vững. Sau 5 năm triển khai Chương trình, nhìn chung các huyện nghèo và xã nghèo đều đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh; đặc biệt đã hạn chế tình trạng tái nghèo xảy ra trên địa bàn. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 6,06%, bình quân giảm 1,71%/năm. Toàn tỉnh còn 10.922 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,58%; giảm 3,62% bình quân giảm 0,91%/năm. Toàn tỉnh giảm 18 xã nghèo ĐBKK vùng DTTS, miền núi; giảm 11 xã nghèo vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Hiện nay, toàn tỉnh còn 6 huyện nghèo theo Quyết định số 275/Q-TTg; 71 xã nghèo ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và vùng DTTS và miền núi.
Trao tặng phương tiện sản xuất cho hộ nghèo thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
Thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo của trung ương và của tỉnh, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm nghèo cụ thể, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và đăng ký chỉ tiêu giảm nghèo với tỉnh, trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, nguồn lực giảm nghèo, số lượng, tỷ lệ hộ nghèo và phải tổ chức cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo; đồng thời đã phân bổ 440,728 tỷ đồng để các ngành, địa phương triển khai thực hiện các Dự án hợp phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó ngân sách trung ương là 387,733 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 52,995 tỷ đồng. Tỉnh cũng phân bổ 145,964 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các chương trình 30a, 135 ở 6 huyện nghèo, 74 xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, vùng dân tộc và miền núi. Theo đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng cho những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ chủ yếu là các hộ nghèo, hộ cận nghèo mới thoát nghèo, đặc biệt là hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo…
Cùng với đó, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam đã giải ngân cho 3.326 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền 123,922 tỷ đồng; 2.103 lượt hộ cận nghèo vay với kinh phí 94,345 tỷ đồng và 8.909 lượt hộ mới thoát nghèo vay với doanh số 402,941 tỷ đồng. Nhờ đó, đã góp phần tạo việc làm cho hơn 6.000 lao động, 138 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; giúp 1.209 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo 21.440 công trình nước sạch vệ sinh; xây dựng 305 ngôi nhà ở cho hộ nghèo và 256 ngôi nhà xã hội...
Một trong những kết quả nổi bật của Quảng Nam thời gian qua là việc phân công, giúp đỡ hộ nghèo đã ngày càng đi vào thực chất. Các cấp chính quyền, hội, đoàn thể đã vào cuộc giúp đỡ từng hộ theo nguyên nhân nghèo, bám sát từng hộ để có các chính sách hỗ trợ sinh kế, nhà ở, giải quyết việc làm, giúp chi phí học tập, đào tạo nghề phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo.
Với nỗ lực nêu trên, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 7,57% xuống 6,06% (còn tổng số 25.650 hộ nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 3,32% xuống còn 2,58% (còn 10.922 hộ); có 8 xã, phường không có hộ nghèo (1 ở thành phố Tam Kỳ, 6 ở thành phố Hội An và 1 ở thị xã Điện Bàn).
Nhằm đạt mục tiêu giảm 2.700 hộ nghèo trong năm 2020, cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự đồng thuận, chủ động, tích cực tham gia của tất cả người dân, nhất là vai trò chủ động của hộ nghèo, hộ cận nghèo… Việc triển khai thực hiện các giải pháp giảm nghèo cũng phải đồng bộ, kịp thời; đảm bảo kết quả giảm nghèo thực chất, không chạy theo thành tích; có sự phân công, phối hợp và kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Đặc biệt, cần lồng ghép có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo đang được thực hiện trên địa bàn, tăng cường nguồn lực đầu tư cho nông thôn miền núi, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, đầu tư phương án sản xuất, hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm, đảm bảo chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo giảm nghèo nhanh. Có chính sách mạnh hơn để thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt các chính sách tín dụng và sinh kế cho hộ nghèo, cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tạo nguồn lực tổng hợp để tác động toàn diện, giúp hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo có thể thoát nghèo thực chất và bền vững.
T. Hương
 

 

Từ khóa: