Quảng Ngãi: Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
(LĐXH)- Cùng với việc chỉ đạo thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh Quảng Ngãi đang đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong việc thực hiện Chương trình, tích cực lao động sản xuất để tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững.
Công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm chỉ đạo
Căn cứ Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII (Chỉ thị 05) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 (Nghị quyết số 160), UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 07/01/2022 để triển khai thực hiện. Sở Lao động - TBXH phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh quán triệt và tuyên tuyền nội dung Chỉ thị 05, Nghị quyết 160 đến từng cán bộ, đảng viên. Từ đó, công tác tuyên truyền về giảm nghèo đã được các cấp, các ngành tổ chức triển khai tuyên truyền cho tất cả cán bộ, đảng viên. Từ đó, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, theo dõi, giám sát trên mọi chỉ tiêu trong Chương trình.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo được thực hiện thông qua các hình thức: Trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát sóng chuyên mục trên truyền hình, chuyên mục trên các báo, đưa tin bài trên các cổng thông tin điện tử); tổ chức Hội nghị tuyên truyền thúc đẩy phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "vì một Việt Nam không còn nghèo đói"; tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nói chuyện tuyên truyền nâng cao nhận thức thoát nghèo; tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố; công tác giảm nghèo cũng được tổ chức tuyên truyền qua các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với nhân dân, giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với cử tri. Từ đó, các dự án, chính sách giảm nghèo đã đi vào thực tiễn, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, nhất là người dân đã dần thấy được trách nhiệm của mình đối với công tác giảm nghèo đó là tích cực lao động sản xuất để tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đến những tháng cuối năm 2022, nguồn kinh phí Chương trình mới được bố trí cho công tác đào tạo tập huấn nhưng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 07 lớp tập huấn cho hơn 900 cán bộ cấp huyện, xã, thôn. Bên cạnh dó, cấp huyện cũng đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho 702 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo. Qua đó, các nội dung của dự án, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được truyền tải cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nắm bắt và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ đến cộng đồng và người dân.
Dự kiến cuối năm 2023, công tác tuyên truyền, tập huấn được tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ theo kế hoạch của các địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng gặp một số khó khăn như: Công tác tập huấn cho người dân chưa được triển khai nhiều bởi vì công tác tập huấn phải gắn liền với các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản sản xuất nhưng việc triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn, chưa được tất cả các địa phương triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho người dân chưa được triển khai vì quá trình triển khai gặp hiều khó khăn như: Định mức hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề còn rất thấp, các cơ sở dạy nghề còn e ngại trong việc tổ chức các lớp đào tạo, người lao động thuộc đối tượng của Chương trình không muốn học nghề nên công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đổi mới phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về kỹ năng lao động, sản xuất, khắc phục tư tưởng thỏa mãn với cuộc sống hiện tại./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Chương trình "Tết cho trẻ em nghèo" trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
12-01-2025 20:07 40
-
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
12-01-2025 13:33 05
-
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
12-01-2025 13:32 51
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46