Xã hội
Quảng Ngãi: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
10:27 PM 30/05/2023
(LĐXH)- Tỉnh Quảng Ngãi đang chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách giảm nghèo, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện chính sách.

Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo cho hộ nghèo, các cấp, các ngành

Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh quán triệt và tuyên tuyền nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Công tác tuyên truyền được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức Hội nghị tuyên truyền thúc đẩy phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nói chuyện tuyên truyền nâng cao nhận thức thoát nghèo; tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố. Ngoài ra, còn được tuyên truyền qua các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với nhân dân, giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với cử tri. Từ đó, các dự án, chính sách giảm nghèo đã đi vào thực tiễn, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, nhất là người dân thấy được trách nhiệm của mình đối với công tác giảm nghèo đó là tích cực lao động sản xuất để tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 07 lớp tập huấn cho hơn 900 cán bộ cấp huyện, xã, thôn. Bên cạnh đó, cấp huyện cũng đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho 702 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo. Qua đó, các nội dung của dự án, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được truyền tải cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nắm bắt và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ đến cộng đồng và người dân. Dự kiến cuối năm 2023, công tác tuyên truyền, tập huấn được tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ theo kế hoạch của các địa phương, đơn vị.

Song song với đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng chú trọng hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Công tác theo dõi chỉ đạo điều hành được cụ thể trong các quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, từ đó mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo đều thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao. Trong đó, có sự phân công, phân nhiệm theo dõi địa bàn, theo dõi tiến độ triển khai của các địa phương, đơn vị. Hẳng tháng, quý, Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức cuộc họp để đánh giá những kết quả làm được, những tồn tại khó khăn để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, việc thành lập Văn phòng điều phối cấp tỉnh, cấp huyện Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực về Chương trình, cấp xã công chức là người thường trực giúp việc cho Ban Quản lý cấp xã đã giúp cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kịp thời, theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện và chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình.

Thực hiện Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Thông tư số 10), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được UBND tỉnh uỷ quyền tổ chức các đoàn giám sát định kỳ theo quy định. Đối với các đơn vị là chủ trì dự án, tiểu dự án ngoài việc tham gia giám sát cùng với đoàn công tác giám sát cấp tỉnh thì cũng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ giám sát đối với lĩnh vực được phân công chủ trì dự án, tiểu dự án. Từ đó, kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để khắc phục.

Đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các dự án đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn thiết yếu các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, công tác lập kế hoạch các dự án đều có sự tham gia của cộng đồng và người dân hưởng lợi từ dự án nên các dự án cơ bản phù hợp với điều kiện, nhu cầu của cộng đồng và người dân trên địa bàn dự án triển khai. Người dân, cộng đồng là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ các dự án nên các dự án, công trình được quản lý và phát huy hiệu quả, công năng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc tổ chức nhiều đoàn giám sát theo quy định của Thông tư này, công tác giám sát do các cơ quan, đơn vị khác thực hiện như: Mặt trận, đoàn thể, Hội nhân dân các cấp, đoàn đại biểu quốc hội đã làm tốn nhiều thời gian về khâu chuẩn bị nội dung, thời gian làm việc của địa phương, cơ sở… Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, bởi ở cấp tỉnh việc thành lập Văn phòng điều phối không được phát sinh đầu mối đơn vị, không phát sinh biên chế nên tất cả thành viên Văn phòng Điều phối cấp tỉnh là kiêm nhiệm, đặc biệt đối với cấp huyện, cấp xã không có cán bộ làm công tác chuyên trách, tất cả đều phải kiêm nhiệm. Từ đó, công tác theo dõi, đánh giá Chương trình đôi lúc chưa kịp thời.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đổi mới phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình./.

Hồng Phượng

 


Từ khóa: