Xã hội
Quảng Ngãi quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
02:42 PM 27/06/2024
(LĐXH)-Trong thời gian qua, công tác cán bộ nữ của tỉnh Quảng Ngãi được quan tâm, công tác quy hoạch, bổ nhiệm nữ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của sở, ngành, địa phương; tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Hội đồng nhân dân các cấp, Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước.
Theo mục tiêu tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu là đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2023 đạt 75% các cơ quan  quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu nói trên tại địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 là: Cấp tỉnh có 7/25 sở, ban, ngành có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cấp huyện có 09/13 chính quyền địa phương cấp huyện có lãnh đạo nữ chủ chốt (HĐND hoặc UBND), đạt tỷ lệ: 69,2% (đạt chỉ tiêu đề ra). Cấp xã có105/173 chính quyền địa phương cấp xã có lãnh đạo nữ chủ  chốt (HĐND hoặc UBND), đạt tỷ lệ 60,6% (đạt chỉ tiêu đề ra).
Theo đánh giá, công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Quảng Ngãi có sự chuyển biến tích cực. Công tác tuyển dụng, quy hoạch dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nữ từng bước được quan tâm. Tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý, các cơ quan dân cử đã có chuyển biến tăng. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước được trẻ hóa, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là một trong những chỉ tiêu then chốt để đánh giá sự tiến bộ xã hội và bình đẳng giới.
Uỷ viên Trung Ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân chủ trì và dự toạ đàm trực tuyến về “Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới” (Ảnh tháng 3/2023)
Mặc dù, công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị có sự chuyển biến tích cực song việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ tại một số đơn vị, địa phương chưa chủ động. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, quản lý, lãnh đạo trong hệ thống chính trị còn thấp, thiếu tính ổn định; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ vẫn còn bất cập. Bên cạnh đó, sự nỗ lực của từng cá nhân nữ vẫn còn nhiều hạn chế; những áp lực từ thiên chức làm mẹ, làm vợ...
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi đưa ra một số giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị như sau: Sở sẽ tham mưu thực hiện công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện. Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về bình đẳng giới, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị thông qua các hình thức phù hợp của từng địa phương, từng nhóm đối tượng để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 11- NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 10/7/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 71-KH/TU, ngày 22/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Kết luận số 55-KL/TW ngày 18/01/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị Khóa X ““Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Sở cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, góp phần xóa bỏ các định kiến, các quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Sở tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc cụ thể các chủ trương và định hướng về sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; xây dựng chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ, trong đó chú trọng đến công tác quy hoạch nguồn lãnh đạo nữ các cấp, các ngành, nâng cao vai trò của tổ chức hội liên hiệp phụ nữ các cấp, nâng cao năng lực của cán bộ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Đồng thời hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho cán bộ nữ thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực đào tạo bồi dưỡng cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ nữ có cơ hội tham gia vào các vị trí lãnh đạo quản lý, cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp./.
Minh Hằng