Xã hội
Quảng Ninh: Nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng
05:21 PM 15/06/2021
(LĐXH) - Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm và có nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Nhờ vậy, các em đã được học tập, phục hồi chức năng, được giáo dục kỹ năng sống, từng bước xóa bỏ đi mặc cảm và tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Quảng Ninh có 325.219 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 3.125 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với 2.392 trẻ khuyết tật. Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyềnvà các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức. Qua đó, đã tác động tích cực, góp phần chuyển đổi nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt/trẻ em khuyết tật. Các mục tiêu vì trẻ em được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngân sách bố trí cho những chương trình, mục tiêu vì trẻ em ở các cấp hằng năm đều tăng. Tỉnh đã bố trí bộ máy tổ chức để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến tận thôn, bản, khu phố; phát triển các dịch vụ trợ giúp trẻ em trong các lĩnh vực phù hợp với tình hình địa phương và đáp ứng cơ bản những nhu cầu của trẻ em. Các cấp, các ngành cũng thường xuyên quan tâm bố trí kinh phí để tập huấn cho người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nắm được các kỹ năng, phương pháp tiếp cận với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệtcũng như trẻ em khuyết tật.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù riêng, nhằm hỗ trợ các mục tiêu vì trẻ em (Ảnh minh họa)
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù riêng, nhằm hỗ trợ các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em, như: Nghị quyết 222/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 (gọi tắt là Nghị quyết 222); Nghị quyết số 91/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nôi dung của Nghị quyết 222. Đây là một trong những chính sách đặc thù của tỉnh thể hiện sự quan tâm đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Qua đó, đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK) được khám, chữa bệnh, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ dinh dưỡng, hỗ trợ hằng tháng, hỗ trợ đột xuất. Từ năm 2016-2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 76.981 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 92 tỷ đồng, bao gồm: hỗ trợ dinh dưỡng nâng cao thể trạng sức khỏe cho 172 trẻ em nhiễm HIV/AIDS; hỗ trợ hằng tháng cho 8.204 trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng; cấp thẻ BHYT cho 744 trẻ em nhiễm HIV, trẻ không nguồn nuôi dưỡng; hỗ trợ học phí cho 26.222 trẻ, hỗ trợ chi phí học tập cho 41.358 trẻ; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho 56 trẻ; hỗ trợ 208 trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích; 17 trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Mặc dù đã triển khai Nghị quyết 222 và Nghị quyết 91 song trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách của Trung ương và địa phương, các em rất cần được hỗ trợ để thực hiện các quyền cơ bản của mình.Chính vì vậy, ngày 09/12/2020, tại kỳ họp thứ 21, khóa 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết 309/2020/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có HCĐBKK trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025. Nội dung của Nghị quyết vẫn giữ nguyên phạm vi thực hiện, nội dung hỗ trợ của Nghị quyết 222, Nghị quyết 91 nhưng có sự điều chỉnh, bổ sung thêm một số đối tượng cần được hỗ trợ, trong đó nêu rõ trẻ em khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, trẻ em tự kỷ đang theo học tại Cơ sở bảo trợ xã hội được hỗ trợ hệ số 2 so với mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh tại cơ sở bảo trợ xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em như: Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Hỗ trợ dạy nghề đối với trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020; Trị liệu tâm lý cho trẻ rối nhiễu tâm trí… đã góp phần chăm sóc tốt hơn cho trẻ em. Trong đó phải kể đến hiệu quả thiết thực của mô hình “Hỗ trợ dạy nghề đối với trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020” do Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thực hiện từ năm 2015. Qua 6 năm triển khai, Trung tâm Công tác xã hội đã phối hợp với UBND cấp xã, cộng tác viên thôn, khu khảo sát nhu cầu học nghề của gần 1.200 trẻ em có HCĐB khó khăn trong độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi của các địa phương: Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí; thị xã Quảng Yên, Đông Triều; huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà; đồng thời, khảo sát, đánh giá năng lực dạy nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động đối với 200 cơ sở dạy nghề, 200 cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp có đào tạo nghề trên địa bàn. Qua đó, Trung tâm đã kết nối được 80 cơ sở hỗ trợ học phí học nghề, tiền ăn và đi lại cho 104 trẻ (trong đó có gần 10 trẻ em khuyết tật), với số tiền 3.000.000đ/người học/khóa học để học các nghề, như: may, cắt tóc, gội đầu, cắm hoa, sửa điện tử, máy tính, sửa chữa điện lạnh, pha chế đồ uống và phục vụ bàn, làm vãng mã, khắc bia đá, sửa chữa xe máy, chụp ảnh – photo shop, photo coppy- đánh máy vi tính, quảng cáo… theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Hầu hết trẻ sau đào tạo nghề đều có việc làm ổn định, trong đó có 50 em được nhận vào làm việc tại chính cơ sở dạy nghề với mức thu nhập 50.000 đến 100.000đ/ngày, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình trẻ.
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, 90% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận các
dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng (Ảnh minh họa)
Các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trên địa bàn trong giai đoạn 2012-2020 cũng ủng hộ gần 76,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 292.230 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013, Tỉnh đoàn đã tổ chức các hoạt động đỡ đầu thường xuyên, kết nghĩa Liên đội, thăm, tặng quà cho 24.207 trẻ em có HCĐBKK nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Tháng hành động vì trẻ em với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng; vận động đỡ đầu thường xuyên 1.726 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với mức trung bình từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng/trẻ… Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh mỗi năm vận động trung bình được 01 tỷ đồng. Qua đó đã trao 750 góc học tập; 2.284 suất học bổng (trị giá 1 triệu đồng/suất); khen thưởng cho 1.929 học sinh khuyết tật và mồ côi học giỏi (500.000đ/suất)… Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh vận động được 18,2 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ cho 30.303 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Để giúp trẻ em khuyết tật được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội được thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, tỉnh phấn đấu 90% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 85% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 90% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng;100% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em khuyết tật, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật. Từng bước thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và xây dựng thí điểm một số mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với trẻ em khuyết tật; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến trẻ em khuyết tật và thực hiện quyền của trẻ em khuyết tật theo đặc thù và phù hợp với tình hình của tỉnh; Nghiên cứu, lựa chọn thí điểm triển khai một số mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng như: Mô hình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật, mô hình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật; mô hình kết nối dịch vụ và hỗ trợ trẻ em khuyết tật với các dịch vụ. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động với nhiều hình thức phong phú để phổ biến, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là các chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật, trẻ em khuyết tật nhằm năng cao nhận thức, cam kết trách nghiệm và hành động của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội trong việc hỗ trợ và đảm bảo trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Tổ chức tập huấn năng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, các đơn vị, các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan, cán bộ các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật, cộng tác viên, tình nguyện viên, cha mẹ/người chăm sóc trẻ em khuyết tật và trẻ em khuyết tật. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ toàn diện về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng…/.
Minh Hiền
Từ khóa: