Xã hội
Quảng Ninh: Những khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai
12:00 AM 26/06/2024
(LĐXH)-Thời gian qua, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận đầy đủ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh, của huyện; xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt việc triển khai công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện theo Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và các văn bản liên quan tại địa phương.
Các xã, phường, thị trấn đã thường xuyên rà soát, thống kê người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy. Người sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tự nguyện, bắt buộc trở về địa phương đều được lập hồ sơ quản lý, áp dụng biện pháp quản lý, cai nghiện, sau cai tại nơi cư trú theo quy định; được tổ chức tư vấn, cảm hóa, giáo dục đối với người sau cai nghiện, đồng thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tái hòa nhập cộng đồng; các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đặc  thù của tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; các  cơ chế, chính sách của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ khâu tuyển dụng, đào tạo, việc làm, thu nhập, phúc lợi xã hội, nhà ở...nhằm thu hút lao động vào làm  việc. Đặc biệt, người sau cai còn được các xã, phường giới thiệu các mô hình, câu lạc bộ hỗ trợ người lầm lỗi giúp nhau tạo việc làm  tại cộng đồng; tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm, gương điển hình tiên tiến trong việc tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả...
Lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh luôn được thực hiện đúng quy định. Đến ngày 31/12/2023, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đang quản lý, cai nghiện   cho 653 người (159 người cai nghiện tự nguyện; 403 người cai nghiện bắt buộc; 91 người đang quản lý trong thời gian chờ lập hồ sơ), so với cùng kỳ năm 2021 tăng 59 người (653/594).
Trong giai đoạn 2021-2023, tổng số người (lượt người) hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh trở về địa phương là 1.144 người. Tổng số người được các địa phương lập hồ sơ quản lý sau cai nghiện tại  nơi cư trú là: 638 người (Năm 2022: 477; Năm 2023: 211). Số người hoàn thành chương trình cai nghiện tại Cơ sở không thực hiện quản lý sau cai tại Quảng Ninh là 456 người. Tính đến 31/12/2023, các địa phương trong tỉnh đang quản lý 388 người sau cai nghiện ma túy theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai, Quảng Ninh vẫn gặp phải những khó khăn, bất cập.  Đó là, đối với công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, đến nay tỉnh chưa có cơ sở nào đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nên các địa phương chưa triển khai được việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Lý do là theo quy định tại khoản 6 Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy thì Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm: “Giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng”. Tuy nhiên hiện nay Trung tâm y tế tuyến huyện và các Trạm y tế cấp xã lại thuộc Sở Y tế, không phải là đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Cùng với đó, quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là quá cao, không phù hợp, không cụ thể, rõ ràng:
Điều kiện về cơ sở vật chất: (Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP) là quá cao và không phù hợp, bởi vì cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện thì chỉ cần đáp ứng 3 giai đoạn của quy trình nhưng danh mục trang thiết bị quy định tại Mục A Phụ lục I Nghị định 116/2021/NĐ-CP là đáp ứng cho cả 5 giai đoạn của quy trình cai nghiện.
Và điều kiện về nhân sự: (Theo khoản 3 Điều 16 Nghị định số 116/2021/NĐ- CP) là không rõ ràng và quá cao; bởi vì: (i) Không quy định rõ trình độ chuyên môn, ngành nghề đào tạo như thế nào là phù hợp; (ii) Quy định “Nhân sự phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này, như vậy nhân sự ở cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà lại tương đương với cơ sở cai nghiện ma túy công lập là quá cao.
Đối với công tác lập hồ sơ cai nghiện ma túy, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy thì tất cả hồ sơ cai nghiện ma túy (cả cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện) đều phải có Phiếu xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan có thẩm  quyền, tuy nhiên việc xác định tình trạng nghiện ma túy tại địa phương do các ngành  Công an, Y tế phối hợp thực hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí, chuyên môn về y tế (đối với các loại ma túy tổng hợp), trong khi       nhân lực bác sỹ tại các tuyến cơ sở đang thiếu và hầu hết không có chuyên môn chuyên khoa tâm thần. Mặt khác số người nghiện sống lang thang trên địa bàn tỉnh khi các đơn vị, địa phương phát hiện, lập hồ sơ phải thực hiện xác minh nơi cư trú tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú, cư trú còn mất nhiều thời gian, kinh phí cho việc lập hồ sơ còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Công tác quản lý số người nghiện đang điều trị Methadone cũng gặp vướng mắc do chồng chéo các quy định của pháp luật, cụ thể: Khoản 2, Điều 28 Nghị định 116/2021 quy định thủ tục đăng ký tham gia chương trình điều trị thay thế Methadone được thực hiện theo quy định của Chính phủ, tuy nhiên hiện tại việc đăng ký, điều trị vẫn được thực hiện theo quy định tại Nghị định 90/2016/NĐ-CP (trên cơ sở các quy định của Luật Phòng, chống ma túy cũ) dẫn đến chưa có các biểu mẫu phù hợp phục vụ công tác quản lý người nghiện tham gia điều trị Methadone, công tác phối hợp giữa Công an phường, xã, UBND phường, xã và Cơ quan Y tế trong việc đăng ký, tiếp nhận điều trị, thông báo về việc điều trị, dừng điều trị chưa thống nhất.
Đối với công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy, tại Phụ lục I Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định rất cụ thể, chi tiết danh mục trang thiết bị, phương tiện tối thiểu mà Cơ sở cai nghiện ma túy công lập đến thời điểm 01/01/2024 phải đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy có một số trang thiết bị không phù hợp, không cần thiết; một số trang thiết bị y tế cần phải có cán bộ kỹ thuật, có chuyên môn, nghiệp vụ mới quản lý, bảo quản, sử dụng được; nếu đầu tư, mua sắm theo đúng danh mục tại Phụ lục I thì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đầu tư.
Bên cạnh đó, việc bố trí khu cai nghiện riêng, việc thực hiện chế độ học văn hóa đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào  cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập là khó khăn, vướng mắc. Trên thực tế, đến nay chưa có trường hợp nào thuộc đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh.
Đối với công tác quản lý sau cai nghiện, người nghiện ma tuý sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện trở về địa phương hầu hết không khai báo, không có thái độ hợp tác với người được quản lý nên rất khó để tiếp cận, xét nghiệm cũng như tư vấn, giúp đỡ tạo việc làm, tình  hình hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người cai nghiện tại cộng đồng còn nhiều  khó khăn; việc phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương đôi khi còn chưa thật chặt  chẽ, đặc biệt công tác quản lý tạm trú tạm vắng còn chưa sâu sát nên một số người đi  khỏi địa phương không khai báo; việc quản lý sau cai đối với người không nơi cư trú ổn định cũng khó có thể thực hiện được.
Thời gian tới, Quảng Ninh rất mong Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên để công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy ngày càng được hiệu quả./.
Minh Hằng