Xã hội
Quảng Ninh nỗ lực thực hiện giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tự kỷ
12:33 PM 27/07/2017
(LĐXH)-Tự kỷ đang là vấn đề được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới do sự gia tăng đáng lo ngại của số trẻ em mắc hội chứng này.
Việc tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ vẫn còn nhiều khó khăn
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật, tự kỷ được vui chơi, hoạt động và học tập như các trẻ em khác, trong năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập).
Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” với mục tiêu chung là hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, tự kỷ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy và tăng cường chất lượng giáo dục hòa nhập; thực hiện quyền và cơ hội của trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ được chăm sóc, giáo dục thường xuyên, có chất lượng.
  • Sau 2 năm triển khai, công tác giáo dục hòa nhập trên địa bàn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngành giáo dục đã quan tâm chỉ đạo, triển khai xây dựng, thực hiện kế hoạch, chương trình giáo dục cho học sinh khuyết tật hoà nhập. Thực hiện đồng bộ các giải pháp: điều chỉnh chương trình, kiến thức phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh; lựa chọn những giáo viên có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết dạy các lớp có học sinh khuyết tật hòa nhập; tổ chức tập huấn chuyên đề, hội thảo cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về phương pháp dạy học, giáo dục học sinh khuyết tật, tự kỷ học hòa nhập; tăng cường sự phối hợp tham gia của các đoàn thể, các lực lượng xã hội trong công tác huy động trẻ khuyết tật đến trường; đảm bảo những điều kiện cơ bản về sách vở, tài liệu, cơ sỏ vật chất, thiết bị riêng phù hợp với học sinh hòa nhập.
Toàn tỉnh hiện có 559 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS. Trong đó có 297/559 cơ sở đang tổ chức giáo dục hoà nhập cho trẻ (mầm non là 70 cơ sở,  tiểu học 136, THCS 91). Số trẻ khuyết tật trong đó tuổi 02-14 được huy động ra lớp là 1.095/1.411, tương đương 77,6%. Thực tế cho thấy giáo dục hòa nhập là mô hình tốt nhất cho trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ có rất nhiều cấp độ, trong đó chỉ có 10 - 15% thuộc thể nặng có thể chuyển sang khuyết tật trí tuệ, còn lại đa số các em chỉ bị ở thể nhẹ và hoàn toàn có thể trở thành người bình thường, có ích cho xã hội với điều kiện được hòa nhập từ nhỏ và không bị định kiến của xã hội. Dạy trẻ vốn là việc đầy khó nhọc, nhưng dạy trẻ tự kỷ còn khó nhọc hơn nhiều. Công việc này đòi hỏi người thực hiện không chỉ có chuyên môn vững vàng mà còn phải có lòng thương yêu cao cả và tinh thần trách nhiệm cao. Quan trọng hơn nữa là việc này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, các bậc phụ huynh, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức trong và ngoài nước, những người thực sự quan tâm đến tương lai và cuộc đời của trẻ em tự kỷ. Sự an ủi và niềm vui lớn nhất của cô giáo dạy trẻ tự kỷ là sự tiến bộ rõ rệt của các con mỗi ngày. Sự thay đổi tuy ít và chậm, nhưng đối với cô và trò đều rất giá trị. 
Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo là một trong 3 trường ở TP Hạ Long thực hiện tốt công tác giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật, tự kỷ.  Năm học này, nhà trường thực hiện giáo dục hoà nhập cho khoảng 10 học sinh, chủ yếu là học sinh khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ và tự kỷ. Xác định việc học tập của các em học sinh khuyết tật, tự kỷ có nhiều khó khăn hơn các bạn khác nên ngay từ đầu năm học nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể với từng học sinh và từng dạng khuyết tật, trong đó, chú trọng phát huy năng khiếu, mặt mạnh của từng học sinh.
Cô Phùng Thị Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: "Có những em khi mới đến trường chưa biết nói, khả năng tiếp thu rất kém và không thể vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, sau những năm học tại trường, được sự dạy dỗ tận tình của các thầy, cô giáo và sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè trong lớp, đến nay các bạn đã rất tiến bộ rất nhiều. Đã tự mình tham gia chơi tập thể cùng bạn bè trong lớp và các lớp khác".
Hiện nay, do kinh nghiệm còn ít, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ cấp tiểu học trên địa bàn Quảng Ninh cũng gặp nhiều khó khăn.Thực tiễn dạy học trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ tại các cơ sở giáo dục còn nhiều bất cập; nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác giáo dục hoà nhập. Theo đó, số giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ rất thấp (chỉ có 12/1.276 giáo viên đang dạy giáo dục hoà nhập, chỉ chiếm tỷ lệ 0,94%). Hầu hết số giáo viên còn lại chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về giáo dục hoà nhập.
Bà Vũ Thị Thúy Hà - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Không chỉ vậy, cơ sở vật chất cho giáo dục hoà nhập chưa được quan tâm đầu tư. Hầu hết các nhà trường thiếu các phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho giáo dục trẻ khuyết tật dạng đặc thù. Mặt khác, công tác thu thập thông tin và nhu cầu của trẻ khuyết tật, công tác thống kê, dự báo về trẻ khuyết tật của các ngành chức năng, các địa phương còn chưa đầy đủ. Nhận thức của cha mẹ trẻ khuyết tật về vai trò của y tế, giáo dục đối với việc can thiệp, hỗ trợ, giáo dục hoà nhập còn hạn chế".
Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục, các địa phương và đơn vị dựa trên cơ sở thực tế của địa phương, xác định các nhiệm vụ giải pháp phù hợp để đảm bảo nâng cao chất giáo dục hòa nhập; hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục hào nhập theo các cáp học trong từng năm học; hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên, hcọ sinh khuyết tật học hòa nhập theo quy định. Phấn đấu đạt được chỉ tiêu đến năm 2020, 100% số cán bộ giáo viên trong các cơ sở giáo dục được trang bị các kiến thức về giáo dục cho trẻ em khuyết tật, tự kỷ; 90% số cha mẹ trẻ em (người nuôi dưỡng trẻ), trẻ em được thông tin truyền thông, tư vấn, trợ giúp công tác giáo dục hòa nhập; 50% số cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục hòa nhập có phòng hỗ trợ đặc biệt hoạt động tư vấn, trợ giúp công tác giáo dục hòa nhập; 90% số trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ có khả năng học tập được tham gia học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; 80% số trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ có khả năng học tập được học hòa nhập hoàn thành chương trình học tập; 70% số trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ học hòa nhập tiểu học hoàn thành chương trình học tập vào học lớp 6; 80% số trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ học hòa nhập cấp học THCS hoàn thành chương trình học tập.
Minh Hằng
Từ khóa: