Quảng Ninh: Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo
(LĐXH) - Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh. Góp phần đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Ninh, qua rà soát của các địa phương, địa bàn tỉnh hiện có khoảng 362 nhà thuộc diện nhà tạm, nhà dột nát theo các tiêu chí phân loại của Bộ Xây dựng đến thời điểm 30/3/2022 (trong đó có 260 hộ thuộc diện xây mới, 102 hộ sửa chữa). Chủ hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các hộ khó khăn khác về nhà ở, chủ yếu là hộ người khuyết tật, neo đơn. Trong đó, thành phố Cẩm Phả là địa phương có số nhà thuộc diện cần xây mới, sửa chữa nhiều nhất với khoảng 84 hộ; thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều lần lượt là 69, 65 và 53 nhà. Thành phố Hạ Long và huyện Cô Tô không có hộ thuộc diện cần xóa nhà tạm...
Việc triển khai xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh Quảng Ninh vừa để cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, vừa góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã. Để thực hiện thành công chủ trương này đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung thực hiện.
Theo đó, về nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, hệ thống chính trị toàn tỉnh tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của hộ gia đình được thụ hưởng hỗ trợ. Đồng thời, phát huy cao nhất vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, trong đó cấp tỉnh giữ vai trò nòng cốt; cấp huyện là nơi trực tiếp thực hiện, gắn với trách nhiệm của đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong xác định đối tượng, tổ chức triển khai công việc, giám sát kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc thống nhất mức hỗ trợ đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như sự hài hòa, hợp lý và tính đặc thù của các địa bàn. Tỉnh Quảng Ninh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực tổ chức thành công chủ trương này.
Theo dự kiến, phương án hỗ trợ được đề xuất ở mức 80 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở (cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương từ 36 - 40 triệu đồng); hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở (cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương 20 triệu đồng). Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 24,88 tỷ đồng từ Quỹ vì người nghèo của tỉnh, các địa phương và nguồn xã hội hoá. Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục rà soát để đảm bảo đúng đối tượng, thụ hưởng đúng chính sách.
Mục tiêu phấn đấu vào dịp Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2023), tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn.
Từ năm 2011 đến nay, gần 5.000 hộ nghèo của tỉnh đã được hỗ trợ nhà ở thông qua nhiều chương trình, chính sách. Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm. Tỉnh đang chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Đến hết 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh, tương ứng với 258 hộ, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu. Quảng Ninh đã trở thành địa phương về đích sớm nhất cả nước về giảm nghèo. Hiện toàn tỉnh có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm 0,63% tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%); giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%); có 4/13 địa phương (gồm Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Quảng Ninh đã xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2023-2025 theo hướng cao hơn mức quy định của Trung ương, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh và mức sống của người dân, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều riêng của tỉnh còn dưới 0,05%./.
Hưng Cảnh
Từ khóa:
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25
-
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
12-11-2024 17:27 08
-
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
12-11-2024 14:29 01