Xã hội
Quảng Ninh: Triển khai hiệu quả các mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
11:52 PM 25/06/2024
(LĐXH) – Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả các mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, góp phần nâng cao kiến thức, pháp luật cho người dân về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì 11 mô hình thí điểm về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (giai đoạn 2021-2023) và 22 mô hình về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố; duy trì thí điểm mô hình Thành phố an toàn, thân thiện, phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em nơi công cộng tại thành phố Hạ Long; 01 mô hình hỗ trợ sinh kế và tự chủ tài chính; 01 mô hình Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống bạo lực giới (xây dựng ứng dụng Tổng đài 18001769 tiếp nhận thông tin và quản lý hồ sơ tư vấn, trợ giúp).
Ngôi nhà Ánh Dương - địa chỉ tin cậy, an toàn cho những người bị bạo lực giới
Đặc biệt, những năm qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả mô hình Ngôi Nhà Ánh Dương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước được lựa chọn triển khai thí điểm dự án Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua xây dựng mô hình Trung tâm Can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương-NNAD) do chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí hơn 8,4 tỷ đồng. NNAD trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) - Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, được hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, với mục tiêu phát hiện, ngăn chặn và trợ giúp kịp thời cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục; Tăng cường sự tham gia, nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc hỗ trợ nạn nhân giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục; Đồng thời nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của cộng đồng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Quảng Ninh và các địa phương lân cận.
Tại đây, các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7, bao gồm hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng và tại văn phòng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc và hỗ trợ y tế, chuyển tuyến và kết nối hỗ trợ tư pháp. Bên cạnh đó, NNAD cũng hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm, kết nối chuyển gửi để hòa nhập cộng đồng… cho các nạn nhân. Các dịch vụ được cung cấp tại NNAD đều dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin. Bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào khi có nhu cầu, đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực. 
Năm qua, NNAD đã tiếp nhận 3.326 cuộc gọi qua tổng đài 1800.1769, trong đó thực hiện tư vấn hỗ trợ và kết nối đối với 138 trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới; Tiếp cận, tư vấn và kết nối các bên liên quan can thiệp và hỗ trợ cho 23 trường hợp bị bạo tại cộng đồng; Tiếp nhận khẩn cấp, cung cấp dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, tư vấn, kết nối các bên liên quan can thiệp và hỗ trợ đối với 06 người bị bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có 01 trường hợp ngoài tỉnh (tại Hà Nội).
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những trường hợp được nhân viên CTXH của NNAD tư vấn qua tổng đài đã có sự cân bằng tâm lý, biết cách xử lý, ứng xử khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra trong gia đình mình. Đối với những trường hợp tạm lánh tại NNAD, đã được các bác sĩ và nhân viên CTXH tại đây khám y tế ban đầu, tiến hành cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và thực hiện các buổi tham vấn tâm lý; cung cấp các kiến thức về BĐG, quyền con người và một số kỹ năng ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong tình huống khẩn cấp... Sau thời gian tạm lánh, tâm lý các nạn nhân đã có những chuyển biến tích cực, được Trung tâm CTXH tỉnh chuyển về địa phương, được kết nối để các cơ quan đơn vị chức năng thực hiện cung cấp các dịch vụ trợ giúp theo quy định của pháp luật; một số trường hợp đã được kết nối tạo việc làm để ổn định đời sống. Bên cạnh đó, nhân viên CTXH của NNAD tiếp tục theo dõi và hỗ trợ nạn nhân giải quyết các vấn đề phát sinh khi cần thiết.
Có thể thấy, NNAD đã trở thành địa chỉ tin cậy, an toàn cho những người bị bạo lực giới, giúp họ được chăm sóc kịp thời, đầy đủ cả về tổn thương thể xác lẫn hỗ trợ tâm lý, đảm bảo an toàn và hỗ trợ tư pháp; đồng thời được cung cấp kiến thức, kỹ năng để có thể phòng ngừa và bảo vệ bản thân; có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm, tự tin làm chủ cuộc sống./.
Minh Hiền