Quảng Ninh: Triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật
Bên cạnh việc thực hiện đúng, đầy đủ, minh bạch các chính sách theo quy định của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh còn triển khai nhiều chính sách riêng hỗ trợ, nâng cao đời sống cho người khuyết tật (NKT), đảm bảo an sinh xã hội.
Trẻ em khuyết tật sinh hoạt tại Cơ sở bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã cụ thể hóa các chính sách cho NKT của Nhà nước bằng các kế hoạch, đề án, chương trình cụ thể. Đồng thời, ban hành các chính sách riêng biệt đối với NKT phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể, đúng quy định, tạo được niềm tin của người dân.
Điển hình là chính sách hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động cho NKT hệ vận động trên địa bàn tỉnh theo quyết định 1878/QĐ-UBND ngày 27/7/2012. Theo đó, NKT được hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật chỉnh hình và trang cấp dụng cụ chỉnh hình, hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng và một người nhà đối tượng trong thời gian phẫu thuật với mức 50.000 đồng/người/ngày (không quá 15 ngày), hỗ trợ tiền đi lại cho đối tượng và một người nhà đối tượng từ nơi ở của đối tượng đến cơ sở phẫu thuật theo quãng đường thực tế... Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã thực hiện khám sàng lọc cho hơn 1.924 đối tượng là NKT hệ vận động, thực hiện phẫu thuật chỉnh hình thành công cho 238 đối tượng và trang cấp 321 dụng cụ chỉnh hình (bao gồm tay giả, chân giả, độn gót...) với tổng kinh phí là 3,2 tỷ đồng.
Trẻ em khuyết tật là đối tượng luôn cần được sự quan tâm đặc biệt. Do đó, tỉnh đã ban hành Quyết định 2392/QĐ-UBND ngày 14/8/2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tự kỷ trong các cơ sở giáo dục. Để triển khai hiệu quả đề án, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách ưu tiên đối với NKT tham gia giáo dục. Trong đó, học sinh khuyết tật được miễn các khoản đóng góp đối với các khoản thu theo thỏa thuận, thu dịch vụ và hưởng các chính sách riêng của tỉnh.
Thành viên CLB Thiện nguyện Nhân Tâm Hạ Long tặng quà cho NKT huyện Tiên Yên
Hiện 100% cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ chính sách cho học sinh khuyết tật, tự kỷ và giáo viên trực tiếp giảng dạy hòa nhập đầy đủ, kịp thời, minh bạch. Nhờ đó, công tác huy động trẻ khuyết tật đến trường đã được triển khai hiệu quả; số trường, lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập tốt; tỷ lệ huy động trẻ khuyết tật trong độ tuổi có khả năng học tập ra lớp học hòa nhập ngày càng tăng. Toàn tỉnh cũng có 6 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ngoài công lập. Tính riêng năm học 2020-2021, số trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tham gia học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục đạt từ 70% trở lên. Tỷ lệ hoàn thành chương trình học tập ở cấp tiểu học đạt 88,1%, cấp THCS đạt 100%, cấp THPT đạt 100%.
Nhằm khuyến khích NKT tham gia học nghề, đảm bảo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, tỉnh đã phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật. Hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí từ 10-15 tỷ đồng hỗ trợ NKT học nghề. Đến nay, toàn tỉnh đã có 844 NKT có khả năng lao động được đào tạo nghề, thành lập 14 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT được hỗ trợ vốn từ quỹ việc làm dành cho NKT của tỉnh, như: Công ty CP May Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV nhân đạo Diêu Bông...
Ngoài việc giải quyết đầy đủ chế độ theo quy định của Trung ương, từ năm 2017, tỉnh tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, từ mức 300.000 lên mức 350.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng bảo trợ xã hội sinh sống tại cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; từ mức 400.000 lên mức 500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng NKT được chăm sóc và nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh; 100% đối tượng thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ BHYT.
Ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho NKT bằng các chính sách cụ thể, kịp thời, thiết thực. Đây là nguồn động viên, khích lệ, cổ vũ rất lớn để NKT có cơ hội bình đẳng, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội. Nhiều NKT đã trở thành những tấm gương sáng truyền cảm hứng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống./.
PV
Từ khóa:
-
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
07-01-2025 15:07 35
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
-
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
06-01-2025 20:34 23
-
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
05-01-2025 11:47 27
-
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
05-01-2025 09:50 37
-
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
04-01-2025 16:29 52
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46