Xã hội
Quảng Ninh vận dụng mọi nguồn lực và nhiều giải pháp sáng tạo để giảm nghèo bền vững
02:35 PM 06/05/2019
(LĐXH)-Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Không chỉ thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà đối với các hộ nghèo, Quảng Ninh còn tranh thủ mọi nguồn lực, vận dụng mọi khả năng và có cách làm sáng tạo, giúp người dân bứt phá khỏi cuộc sống đói nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp…
Trước hết, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các Hội đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến người dân, đặc biệt là người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, làm chuyển biến và nâng cao ý thức thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Hoài Sơn, Khi tuyên truyền tốt thì nhận thức của người dân cũng đã thay đổi. Các hộ nghèo, cận nghèo đã có chuyển biến tích cực về ý thức vươn lên thoát nghèo, chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khi đủ điều kiện, tiêu biểu là tại huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu.
Tại huyện Ba Chẽ, từ nhiều năm trước nguyên nhân chính xuất phát từ việc nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng xã hội hỗ trợ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đứng trước khó khăn đó, cả hệ thống chính trị ở Ba Chẽ đã đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đến 9.270 lượt người; tuyên truyền lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các nội dung khác tại 66 nhà văn hóa thôn, khu cho hơn 10.000 người. Nhờ đó, nhận thức vươn lên thoát nghèo của bà con ở huyện Ba Chẽ đã thay đổi rõ rệt. Phong trào thoát nghèo đã làm thay đổi cách nhìn của bà con về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Năm 2018, toàn huyện đã có 104 hộ tại 8/8 xã, thị trấn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện nghèo và không tái nghèo những năm tiếp theo. Đây là năm có số hộ dân tự nguyện viết đơn thoát khỏi diện nghèo cao nhất từ trước đến nay của Ba Chẽ.
Phát triển kinh tế rừng để thoát nghèo ở Ba Chẽ
Thực hiện chỉ đạo Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, về giảm nghèo, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các quyết định, kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Các văn bản, chính sách hỗ trợ, trợ giúp người nghèo, người cận nghèo được ban hành đúng pháp luật đáp ứng được yêu cầu và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; đồng thời, hệ thống các văn bản được ban hành đã cơ bản có sự thống nhất so với mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo.
Tỉnh cũng quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Năm 2018, riêng nguồn ngân sách của tỉnh phân bổ cho chương trình nông thôn mới và các chương trình, đề án giảm nghèo là khoảng gần 600 tỷ đồng. Công tác vận động xã hội hóa, huy động nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo và hỗ trợ đầu tư hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn được triển khai rộng khắp, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh và sự chung tay, góp sức của xã hội đã từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó tập trung ưu tiên đối tượng hộ nghèo, người nghèo thuộc vùng khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đối tượng nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để đối tượng nghèo ổn định và đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo.
Việc lồng ghép giữa chương trình giảm nghèo với các chương trình khác cũng được Quảng Ninh thực hiện hiệu quả. Hiện có rất nhiều chương trình như chương trình giảm nghèo gắn với việc triển khai đề án 135, nông thôn mới. Bản chất thì đều tập trung cho công tác giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Các mô hình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt áp dụng cho hộ nghèo được triển khai mạnh mẽ. Chính nhờ những chương trình này mà người dân đã cơ hội, kiến thức và kinh nghiệm để tự vươn lên thoát nghèo.
Điển hình như huyện Ba Chẽ, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp để thực hiện cùng với việc thực hiện chính sách giảm nghèo, lồng ghép với Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, chính sách an sinh xã hội.
Chương trình 135 của huyện đã phê duyệt và triển khai 45 dự án với 1.185 hộ tham gia, tổng mức đầu tư lên đến 9,38 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã phê duyệt và triển khai 33 dự án, thu hút 154 hộ tham gia, với tổng kinh phí lên đến 12,491 tỷ đồng. Toàn huyện đã duy trì nhiều mô hình giảm nghèo từ những năm trước, đồng thời triển khai thêm mô hình nuôi bò sinh sản cho 35 hộ nghèo với tổng kinh phí lên đến 525 triệu đồng.
Huyện cũng tập trung phát triển những ngành kinh tế có thế mạnh như nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều lao động miền núi. Ba Chẽ đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất với quy mô trang trại, gia trại; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi đàn bò; ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với trồng dược liệu…
Đến nay, toàn huyện Ba Chẽ có 18 trang trại, gia trại, trong đó có 9 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Huyện đã triển khai 33 dự án phát triển sản xuất với sự tham gia của 154 hộ dân với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng; mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung một số cây chủ lực của địa phương, trồng dược liệu như ba kích tím, trà hoa vàng, mía tím, thanh long...
Không chỉ có Ba Chẽ, một số huyện miền Đông năm nay có cách làm rất sáng tạo như Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà đều phân công các đồng chí trong thường vụ, lãnh đạo phụ trách địa bàn, theo dõi giúp đỡ một số hộ ộ nghèo Và rõ ràng mang lại hiệu quả. Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh đã tiếp tục triển khai 4 mô hình cho 92 hộ nghèo và cận nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn như Đồn Đạc, Quảng Đức, Quảng Lâm  Húc Động. 
Công trình đập tràn Thanh Y, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà.
Có thể nói, công tác giảm nghèo thời gian qua được tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt. Tỉnh ủy, hội đồng ban hành Nghị quyết năm và  6 tháng, UBND tỉnh cũng kiểm điểm, rà soát hàng tháng, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương. Nếu không hoàn thành tính vào chỉ tiêu đánh giá cuối năm, giao  chỉ tiêu giảm nghèo cũng như giao thu ngân sách. Từ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các dự án, chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước, sự chung tay của cả cộng đồng, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt những kết quả tích cực. Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, tính đến cuối tháng 11/2018, số hộ nghèo toàn tỉnh ước tính còn 4.248 hộ, tương đương 1,2% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh; đã có 3.696 hộ thoát nghèo (chiếm 47,49% tổng số hộ nghèo cuối năm 2017), 23 hộ tái nghèo... Trong năm 2018, tỉnh Quảng Ninh có thêm 5 xã và 40 thôn đặc biệt khó khăn đạt các tiêu chí để ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hộ nghèo giảm 1.965 hộ. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hoài Sơn, năm 2019, Quảng Ninh sẽ thực hiện mục tiêu có thêm 12 xã, 8 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và lộ trình đến năm 2020 đưa tất cả các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và đảm bảo đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,4%/năm (đạt kế hoạch đề ra)./.

Mỹ Hạnh
 
Từ khóa: