Xã hội
Quảng Trị hướng tới mô hình “tỉnh an toàn” không còn nguy hiểm bởi bom mìn
12:27 PM 06/07/2017
(LĐXH) Mục tiêu của Quảng Trị là hướng đến mô hình “tỉnh an toàn” không còn tác động của bom mìn, vật nổ, giảm thiểu tai nạn bom mìn và ảnh hưởng của bom mìn, vật liệu nổ đối với đời sống cộng đồng, đóng góp hiệu quả vào xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.
Nhân viên đội xử lý bom mìn lưu động RENEW phá dỡ bom mìn tại Quảng Trị.
Trong suốt chặng đường 20 năm hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh đã đạt được nhiều kết quả, đem lại sự an toàn cho người dân,  góp phần không nhỏ vào công tác xoá đói-giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, cụ thể: Giảm thiểu tai nạn bom mìn và số nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh qua các năm, giảm thương vong và tổn thất cho người dân và chi phí cho xã hội:Trong giai đoạn 2001-2005, trên địa bàn tỉnh trung bình có gần 70 nạn nhân bom mìn một năm giảm xuống còn khoảng 50 nạn nhân một năm ở giai đoạn 2006-2010 và đến giai đoạn 2010-2015 con số này giảm xuống còn 10 người/ mỗi năm. Từ đầu năm 2016 đến nay, chỉ có 01 vụ tai nạn bom mìn khiến 01 người chết và 01 người bị thương. 
Nhiều diện tích đất đai bị ô nhiễm nặng đã được rà phá, một số lượng lớn bom mìn và vật liệu nổ đã được phát hiện và phá hủy an toàn. Nhờ đó, diện tích đất phục vụ canh tác, định cư tăng đáng kể, góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Thông qua các hoạt động về Giáo dục phòng tránh bom mìn-MRE đã góp phần nâng cao nhận thức nguy cơ bom mìn đối với nhân dân địa phương, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường. Người dân và trẻ em đã được chuẩn bị tốt hơn về tâm lý và kiến thức để sống và sản xuất an toàn hơn trong môi trường bị ô nhiễm bom mìn. Tạo dựng niềm tin trong cộng đồng về việc sẵn sàng giúp đỡ xử lý kịp thời khi phát hiện bom mìn, vật nổ.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân bom mìn như: hỗ trợ y tế, sinh kế, dạy nghề, tạo việc làm...đã giúp cho nạn nhân bom mìn có  điều kiện để vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.
Các chương trình dự án đã đóng góp một nguồn đầu tư xã hội khá lớn cho địa phương. Trong 20 năm qua, tổng kinh phí thực hiện của các dự án đạt gần 70 triệu USD. Đối với một tỉnh khó khăn như Quảng Trị thì đây là một nguồn kinh phí không nhỏ. Các dự án đã góp phần xây dựng và đào tạo được một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với kỹ thuật, công nghệ hiện đại là một nguồn lực quan trọng để giúp tỉnh giải quyết vấn đề hậu quả bom mìn bền vững trong tương lai. Đồng thời, các dự án cũng đã tạo việc làm ổn định, có thu nhập cao cho địa phương cho gần 600 lao động địa phương.
Hợp tác quốc tế để giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã góp phần tạo ra hình ảnh, sự thân thiện của Quảng Trị với cộng đồng quốc tế, đặc biệt nhiều hoạt động đậm tính nhân văn đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân địa phương cũng như bạn bè trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm bom mìn trên địa bàn tỉnh vẫn còn hết sức trầm trọng làm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tai nạn bom mìn mặc dù giảm thiểu nhưng vẫn tiếp tục xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng và đời sống của nhân dân. Các dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã đem lại  nhiều kết quả tuy nhiên việc duy trì tính bền vững cũng như nhân rộng phạm vi hoạt động của các mô hình dự án thành công còn hạn chế.
Với mục tiêu hướng đến mô hình “tỉnh an toàn” không còn tác động của bom mìn, vật nổ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường an toàn cho dân cư sinh sống tại các khu vực ô nhiễm bom mìn và tạo mọi điều kiện để nạn nhân bị thương tật do bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội, trong giai đoạn tiếp theo, cần có những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:
- Xây dựng, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch  khắc phục hậu quả bom mìn cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 và lồng ghép hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trung hạn và dài hạn của tỉnh.
- Tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các Sở, ban ngành, địa phương, nhân dân và cộng đồng trong công cuộc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh;
- Rà soát các quy chuẩn về rà phá bom mìn, đề xuất và triển khai quy trình kiểm tra chất lượng rà phá bom mìn, quản lý rủi ro sau rà phá cũng như quy chuẩn và quy trình kiểm tra chất lượng về giáo dục nhận thức bom mìn tại Quảng Trị;
- Kêu gọi đầu tư và hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức PCPNN xây dựng “Trung tâm Hành động Bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC)” trên cơ sở tham khảo mô hình Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn-VNMAC và phù hợp với thực tế hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại tỉnh Quảng Trị.
- Tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình rà phá bom mìn, giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn ưu tiên cho các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng, cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng nặng gắn với việc đảm bảo an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, các khu kinh tế, các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng và hay xảy ra tai nạn;
- Nghiên cứu đề xuất các mô hình phối hợp, lồng ghép giữa hoạt động bom mìn và phát triển, giữa giáo dục phòng tránh bom mìn với rà phá bom mìn, thu gom lưu động và hỗ trợ nạn nhân bom mìn; ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác sơ cấp cứu kịp thời nạn nhân khi xảy ra tai nạn bom mìn, vật nổ đồng thời tăng cường đào tạo về kỹ năng sơ cấp cứu cho các trạm y tế quân dân y kết hợp và các trạm y tế tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng ô nhiễm bom mìn nặng nề;
- Tăng cường sự kết nối giữa tỉnh với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia (VNMAC) và chia sẻ dữ liệu khảo sát toàn quốc của Trung ương đến địa phương.
- Tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ hoạt động điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn toàn tỉnh.
Thảo Lan
Từ khóa: