Xã hội
Quảng Trị nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
06:13 PM 10/07/2019
(LĐXH) – Là tỉnh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn sót lại sau chiến tranh, Quảng Trị đã và đang từng ngày, từng giờ nỗ lực huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước khắc phục hậu quả bom mìn sót lại, trả lại đất phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ các nạn nhân bom mìn, ổn định cuộc sống.
Sau chiến tranh, Quảng Trị là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do bom mìn và các vật nổ còn sót lại. Bom mìn và vật nổ là nguyên nhân dẫn đến thương vong của trên 8.500 người dân Quảng Trị, kể từ khi chiến tranh kết thúc đến nay. Ở Quảng Trị, diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom mìn lên đến 82%, cao nhất nước.Trong hơn 20 năm qua, tại Quảng Trị đã có nhiều dự án, các nhà tài trợ, đối tác và tổ chức nhân đạo nước ngoài triển khai hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn như: Bộ Ngoại giao Đức, Bộ Hợp tác Phát triển Đức, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Na Uy, Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, Quỹ Viện trợ Phát triển Ireland, UNICEF, Tổ chức Cây Hòa Bình, Quỹ Tưởng niệm cựu binh Mỹ tại Việt Nam… cùng nhiều quỹ nhân đạo, tổ chức và cá nhân ngoài nước khác.
Nỗ lực rà phá bom mìn trả lại sự bình yên cho nhân dân
Thông tin từ Trung tâm Điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh Quảng Trị cho biết, hàng năm có từ 15-20 triệu mét vuông đất sạch được các tổ chức, dự án rà phá bom mìn bàn giao cho người dân canh tác. Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, đơn vị sẽ tăng cường kêu gọi và vận động thêm các nguồn lực để thiết thực hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Đẩy mạnh liên kết giữa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và hoạt động phát triển kinh tế địa phương; tăng cường kêu gọi và vận động thêm các nguồn lực để thiết thực hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
Ngày càng nhiều các dự án tham gia vào hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị. Bên cạnh đó, số lượng diện tích bị ô nhiễm bom mìn được rà phá, đất sạch được bàn giao ngày càng tăng và số lượng nạn nhân bom mìn ngày càng giảm. Trong thời gian tới, đơn vị có thể tư vấn khi gặp các đoàn khách, giới thiệu cho họ về công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ đó có thể kêu gọi vận động viện trợ thêm cho nạn nhân bom mìn.
Đến nay, các dự án đã tiến hành rà phá an toàn hơn 132 triệu mét vuông đất bị ô nhiễm bom mìn nặng, xử lý an toàn hơn 650.000 bom mìn, vật liệu nổ các loại; tuyên truyền cho hơn 350.000 lượt học sinh và người dân được tiếp cận với chương trình “Giáo dục phòng tránh bom mìn”, nhằm giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Nhờ vậy, các vụ tai nạn bom mìn trên địa bàn đã dần giảm xuống nhanh từ trung bình 70 nạn nhân mỗi năm trong giai đoạn 2001-2005 đến 2017 xuống còn 2 vụ và trong năm 2018 không còn nạn nhân bom mìn nào.
Bà Phạm Anh Đào, Phó trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân cho biết: Tại Quảng Trị, các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ xây dựng 332 nhà ở nhân đạo; hỗ trợ trực tiếp cho 215 nạn nhân bom mìn và gia đình, cung cấp 1.600 học bổng cho các nạn nhân bom mìn và con em nạn nhân bom mìn, 200 nạn nhân bom mìn và người khuyết tật được khám và cấp chân, tay giả cũng như các dụng cụ chỉnh hình để tái hòa nhập cộng đồng; 540 người khuyết tật và nhân viên y tế địa phương được đào tạo và tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Quảng Trị hiện đang hướng đến mục tiêu năm 2025 là tỉnh đầu tiên trong cả nước an toàn không chịu tác động của bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh./.
Nguyễn Hiền
Từ khóa: