Trong các ngày 16 và 17/11/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em (Quyết định số 1437/QĐ-TTg; Quyết định số 1438/QĐ-TTg; Quyết định số 1863/QĐ-TTg; Quyết định số 588/QĐ-TTg; Quyết định số 55a/QĐ-TTg).
Riêng việc triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, trong 03 năm vừa qua đã có một số kết quả, cụ thể: trên 50% trẻ em, học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, khoảng 75% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em. 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; 75% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Đặc biệt, khoảng 40% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em; 60% các tỉnh, thành phố thành lập Phòng điều tra thân thiện với trẻ em.
Các Bộ gồm: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các văn bản hướng dẫn để triển khai quy định mang tính chất dịch vụ như xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường, quy định hướng dẫn, nhân rộng mô hình bố trí người làm công tác trẻ em cấp cơ sở…
Đến nay đã có có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại: TPHCM, Vĩnh Long, Bình Dương, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Cà Mau, Quảng Nam, Kon Tum, Nghệ An. Bên cạnh đó, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đổi mới, sáng tạo, tiêu biểu cũng được triển khai tại nhiều tỉnh, thành như: Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên địa bàn TPHCM; mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công an đã triển khai xây dựng 39 mô hình "Phòng điều tra thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật" ở 38 đơn vị và địa phương phục vụ quá trình xác minh, điều tra các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi. Đặc biệt, một số Công an địa phương ngoài mô hình Phòng điều tra thân thiện đã được Bộ Công an hỗ trợ xây dựng đã chủ động triển khai xây dựng mô hình tại cấp huyện. Tính đến quý I/2023, có trên 1.200 lượt sử dụng mô hình Phòng điều tra thân thiện trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, công tác phối hợp liên ngành trong bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Theo TS. Nguyễn Hải Hữu, Chuyên gia tư vấn độc lập, công tác chỉ đạo hướng dẫn thực hiện ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến xã, phường khá đồng bộ và quyết liệt thể hiện ở khối lượng văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện: tất cả các bộ ngành đều có văn bản hướng dẫn và kế hoạch thực hiện. Công tác truyền thông cũng đạt được những kết quả tích cực, nhất là chuyển tải thông tin về các công cụ hỗ trợ trẻ em, đơn cử hầu như các địa phương, các trường học đều nắm được thông tin về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Việc thực hiện Quyết định số 1863 đã đạt được các mục tiêu quan trọng, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. Song theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa phòng ngừa, kiểm soát và kéo giảm so với mục tiêu đặt ra. Đã có một số điểm sáng trong thực hiện các chỉ tiêu, song đấy chỉ là mục tiêu đầu vào của kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Do đó, trong giai đoạn từ nay đến cuối kỳ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 cần thực hiện một số nhiệm vụ sau: Phát huy vai trò điều phối đôn đốc, tham mưu của Sở Lao động – TBXH cho HĐND ra nghị quyết để triển khai công tác phát triển toàn diện trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em tại địa phương, cơ sở. Duy trì và phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên nền tảng công tác xã hội (việc sáp nhập các trung tâm công tác xã hội không làm mất đi các công tác xã hội, công tác xã hội trẻ em). Mở rộng và duy trì hoạt động của mạng lưới bảo vệ trẻ em, vận động tốt hơn sự tham gia của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ trẻ em. Tiếp tục truyền thông để mọi người dân đều là nhân tố tích cực trong bảo vệ trẻ em, dám lên tiếng trước các vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em; tăng cường các phương thức tuyên truyền trên các kênh mạng xã hội, kênh truyền thông tại cộng đồng./.
Đăng Doanh
-
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
22-11-2024 12:04 50
-
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
06-12-2024 12:04 19
-
Nghệ An kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp
05-12-2024 11:45 25
-
Hiệu quả Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”
22-12-2024 17:40 41
-
Phát huy vai trò người có uy tín trong công tác giảm nghèo ở Vĩnh Châu
19-12-2024 16:47 02
-
Vĩnh Châu: Phát huy hiệu quả tuyền thông trong công tác giảm nghèo
18-12-2024 15:31 08