Giáo dục - Nghề nghiệp
Sóc Trăng đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn
05:10 PM 07/12/2024
(LĐXH) - Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tỉnh Sóc Trăng luôn quan tân lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có sự chuyển đổi tích cực. Công tác đào tạo nghề cho người nghèo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,… luon được đổi mới phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương và khu vực.
Mô hình đào tạo nghề đan giỏ nhựa cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở hoạt động GDNN với cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo trình đào tạo, đội ngũ quản lý, giảng viên, giáo viên,… đủ điều kiện hoạt động GDNN từ trình độ dưới 3 tháng đến trình độ cao đẳng. Cùng với đó, nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản được duy trì qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác đào tạo nghề cơ bản phù hợp với nhu cầu người học, gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo bình quân trên 85%/năm, thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh; làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm nghèo bền vững; rút ngắn thời gian thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

  Tuy nhiên, một số địa phương chưa xác định được ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn để phù hợp với phát triển kinh tế ở địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Lao động nông thôn chủ yếu được học nghề ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; chất lượng đào tạo đạt hiệu quả chưa cao; hoạt động hỗ trợ người dân sau khi học nghề chưa được triển khai hiệu quả. Việc quản lý nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn còn chưa tập trung. Công tác kiện toàn cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp từng lúc còn chậm; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ quản lý, giáo viên,... của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh chưa thật sự hiệu quả; việc điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu học nghề chưa kịp thời, chưa dự báo tốt nơi làm việc, mức thu nhập của việc làm, thiếu tính định hướng lâu dài cho công tác dạy nghề. Công tác xã hội hóa trong dạy nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn tại một số địa phương chậm được thực hiện...

Mô hình đạo tạo nghề trồng trọt góp phần giảm nghèo bền vững ở Sóc Trăng

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm chưa được chú trọng; việc tư vấn, phổ biến, hướng dẫn cho lao động nông thôn lựa chọn, tham gia học nghề còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả. Đa số cán bộ làm công tác quản lý đào tạo nghề ở cấp huyện, cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Đại bộ phận lao động nông thôn còn duy trì tập quán, thói quen canh tác, sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm nên vẫn còn nhiều lao động nông thôn không muốn tham gia học tập, bồi dưỡng ngành nghề…

Quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Chương trình số 59-CTr/TU ngày 6/10/2024 thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư; nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sóc Trăng đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn

 Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng yêu cầu xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức quán triệt phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, từng ngành nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và người dân nắm vững, hiểu rõ nội dung cơ bản của Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư, bảo đảm nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, cụ thể hóa nội dung chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Qua đó, hướng đến mục tiêu tổng quát là thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, nhằm tạo đột phá về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh, của đất nước. Hằng năm các cơ sở GDDT trên địa bàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo khoảng 16.000 người, trong đó, có 25% số lao động được đào tạo thuộc nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp lợi thế của tỉnh. Với trên 90% lao động sau đào tạo có việc làm, có 65% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 32,5%...

Phấn đấu đến năm 2030: Các cơ sở GDDT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tuyển mới đào tạo nghề tối thiểu khoảng 18.000 người/năm; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành du lịch, công nghiệp, nông nghiệp lợi thế của tỉnh chiếm 30%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%. Tầm nhìn đến năm 2045 là tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, tiếp cận trình độ tay nghề của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới…

   Trương Đăng