Sóc Trăng: Triển khai có hiệu quả công tác chi trả trợ cấp cho người có công qua hệ thống bưu điện
(LĐXH) – Ngày 23/3 tại thành phố Sóc Trăng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bưu điện tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi chính sách người có công và chính sách trợ giúp xã hội thông qua hệ thống bưu điện.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2019 - 2022, tình hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Qua đó, góp phần giảm nhẹ khối lượng công việc và thời gian chi trả chế độ của cán bộ làm công tác người có công, nâng cao chất lượng công tác chi trả; nâng cao tính cạnh tranh của cơ quan cung cấp dịch vụ, từ đó giúp đối tượng được hưởng các dịch vụ có chất lượng.
Hiện tại, tổng số đơn vị hành chính thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gồm 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố và 547 bưu cục cấp xã, ấp, khóm, nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng số đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng là hơn 9.000 lượt người. Trước khi triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là đơn vị tiến hành kiểm tra, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách những đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp, ban hành quyết định và trình các cấp có thẩm quyền quyết định hưởng chính sách theo quy định; Quản lý đối tượng NCC với cách mạng trên địa bàn theo quy định, theo dõi tình hình cấp sổ lĩnh tiền trợ cấp cho đối tượng. Cùng với đó, thẩm tra dự toán kinh phí hàng năm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến của các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (Phòng LĐ-TB&XH); Phân bổ và ban hành quyết định giao dự toán cho Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố kịp thời.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐ - TBXH tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Kiểm tra và giám sát Bưu điện trong việc triển khai công tác chi trả cho đối tượng; phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức trên 50 cuộc kiểm tra, giám sát, qua đó đã phát hiện nhiều sai sót và chấn chỉnh kịp thời như: giấy ủy quyền hết hạn, sổ lĩnh tiền và danh sách chưa ký tên của đối tượng khi đã nhận tiền, chưa dán hình và sổ trợ cấp lĩnh tiền, 01 số đối tượng đã chết, chuyển nhưng chưa cập nhật kịp thời, số tiền chi trả trợ cấp của tháng chi trả không hết (do đối tượng đi làm ăn xa) đề nghị đơn vị chi trả (ngành Bưu điện) nộp lại cho Phòng LĐ-TB&XH theo Hợp đồng đã ký kết.
Sở cũng thông báo cho Bưu điện về những thay đổi nghiệp vụ, chế độ liên quan đến việc thực hiện công tác quản lý, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công cho đối tượng hưởng để triển khai thực hiện cho phù hợp; Tiếp nhận thông tin và phản hồi giải đáp thắc mắc các chế độ của đối tượng hưởng trợ cấp khi Bưu điện cung cấp trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn; chỉ đạo các Phòng LĐ-TB&XH huyện ký kết hợp đồng trách nhiệm với Bưu điện huyện triển khai thực hiện khi phương án được phê duyệt.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã tiến hành chi trả cho 42.025 lượt người người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện với tổng kinh phí 827,5 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 là 11.569 người; năm 2020 là 10.919 người; năm 2021 là 10.344 người, năm 2022 là 9.193. Cùng với đó, tỉnh cũng tiến hành chi trả trợ cấp 1 lần cho 35.019 người. Trong đó: năm 2019 là 7.523 người (17,73 tỷ đồng); năm 2020 là 10.086 người (trên 15,64 tỷ đồng); năm 2021 là 8.686 người (gần 14,9 tỷ đồng); năm 2022 8.724 người (trên 25,42 tỷ đồng). Tổng số phí chi trả qua hệ thống Bưu điện (do dịch vụ chi trả) là trên 2,8 tỷ đồng. Nhìn chung, cán bộ, công chức từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã phụ trách công tác chính sách người có công luôn chấp hành đúng theo quy định các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên; thực hiện đúng quy trình, trình tự giải quyết hồ sơ cho người dân; các hồ sơ giải quyết nhanh, kịp thời, không có tình trạng nhũng nhiễu, vụ lợi, hạch sách hoặc trục lợi chính sách.
Bà Nguyễn Ngọc Thơ, Giám đốc Bưu điện tỉnh Sóc Trăng cho biết: Lợi thế của chi trả theo hình thức này là Bưu điện tỉnh có hệ thống mạng lưới rộng khắp, bao phủ đến tận các xã, phường, thị trấn, dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn tiền trả trong quá trình chi trả, tinh thần và thái độ nhân viên phục vụ tốt. Bên cạnh đó, với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, Bưu điện tỉnh từng bước hướng đến tin học hóa công tác quản lý chi trả để cung cấp kịp thời số liệu chi trả hàng ngày theo yêu cầu quản lý của các cấp chính quyền, góp phần thực hiện tốt hơn công tác chi trả, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng nhằm đem đến sự hài lòng cho người có công.
Có thể nói, việc chi trả chính sách ưu đãi người có công qua bưu điện không chỉ tận dụng lợi thế về mạng lưới điểm phục vụ, chất lượng dịch vụ của bưu điện mà còn góp phần đảm bảo sự minh bạch giữa công tác quản lý và chi trả, đảm bảo an toàn nguồn tiền cũng như công tác thanh, quyết toán. Bố trí nơi chi trả thuận lợi, thống nhất và ổn định tại một địa điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khi nhận trợ cấp. Cung cấp dịch vụ bưu chính công ích phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng nông thôn.
Hà Giang
-
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở Mỹ Xuyên
25-11-2024 16:34 53
-
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
25-11-2024 16:34 23
-
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
25-11-2024 16:34 03
-
Phụ nữ Nam Định với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
25-11-2024 11:17 09
-
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
25-11-2024 11:16 03
-
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
06-11-2024 11:21 52