Xã hội
Sơn La triển khai nhiều mô hình, dự án nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
09:04 PM 20/10/2020
(LĐXH) Trong hành trình giảm nghèo, Sơn La đã triển khai nhiều mô hình, dự án tạo điều kiện để các hộ yên tâm lao động sản xuất, từng bước ổn định đời sống. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư đồng bộ; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững.
Là tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, những năm qua, Sơn La đã không ngừng vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, việc triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh tính đến cuối năm 2019 còn 21,62%…

 

Đến bản Mới, xã Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp), hỏi gia đình anh Lò Văn Manh hầu như ai cũng hết lời khen ngợi đức tính cần cù, ý chí vươn lên thoát nghèo của anh. Theo chia sẻ của anh Manh, năm 2016, gia đình đã vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 5 con dê, 1 con bò cái và trồng cỏ chăn nuôi... “Nhờ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ voi nên tôi đầu tư nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản, sau 6 tháng đã có thể xuất bán, hàng năm thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng, nhờ đó gia đình đã thoát nghèo” - anh Manh cho biết.
Là xã biên giới của huyện Sốp Cộp, trước đây nhắc đến Nậm Lạnh nhiều người cho rằng, đây là địa phương mà cái đói, cái nghèo đã trở thành “bạn đồng hành”. Để giảm nghèo hiệu quả, xã đã tích cực tuyên truyền giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tự chủ, tự lực vươn lên. Chủ tịch UBND xã Vì Văn Định cho biết: Xã đã rà soát, xác định thế mạnh để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Tại các bản vùng thấp, tập trung phát triển cây cam, quýt; các bản vùng cao thì xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng. Từ định hướng này, toàn xã đã chuyển đổi được 124ha cây ăn quả, phát triển đàn gia súc hơn 4.300 con. Nhờ đó, đời sống nhân dân có nhiều đổi mới.

Trồng cây sa nhân mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Mường La (Sơn La).

Rời nhà anh Manh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Quàng Văn Án ở xã Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai). Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Án tỏ ra rất vui mừng, phấn khởi, ông kể: Được tạo điều kiện về vốn, hơn 1.000m2 đất và vay 8 triệu đồng, ông đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi 50 con gà, 7 con lợn nái, 2 con trâu, 3 con bò nhốt chuồng, mỗi năm bán được 2 lứa, 4 con dê và 2 con lợn nái. Ngoài chăn nuôi, trên diện tích gần 2ha đất đồi ông trồng ngô và sắn. Đồng thời, tận dụng 2.000m2 đất trồng chuối trồng xen cỏ voi để tạo nguồn thức ăn cho gia súc. Nhờ áp dụng các kỹ thuật chăm sóc, đàn lợn đã sinh trưởng được 4 lợn nái, 24 con lợn thịt và xuất bán ra thị thường, mỗi năm thu nhập hơn 90 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, ông tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng vật nuôi. Không những làm kinh tế giỏi, ông Án còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho bà con cùng phát triển kinh tế.
Cũng như các xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp), Mường Giàng (Quỳnh Nhai), Chiềng Công là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mường La. Để từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động; tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; phân công trách nhiệm, giao chỉ tiêu cho các tổ chức đoàn thể xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất…
Đơn cử, gia đình anh Mùa A Nếnh là một trong những hộ điển hình về hiệu quả của việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Theo chia sẻ của anh Nếnh, nhờ được xã tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng, cùng với số tiền tiết kiệm, anh đã đầu tư làm chuồng trại, mua con giống phát triển mô hình chăn nuôi. Hiện, gia đình có 10 con trâu, bò, 6 con lợn thịt. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, anh còn trồng gần 3ha cây thảo quả dưới tán rừng, trong đó gần 2ha đã cho thu hoạch. “Phát triển chăn nuôi, trồng thảo quả đã mang lại thu nhập ổn định, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, có điều kiện làm nhà mới và chăm lo cho con cái học hành”, anh Nếnh vui mừng cho biết.
Trên thực tế, để triển khai công tác giảm nghèo hiệu quả, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc quán triệt Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội đã được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, kịp thời. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành triển khai thường xuyên và đồng bộ. Qua đó, đã huy động sức mạnh và sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lồng ghép các nguồn lực trong đầu tư phát triển, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đơn cử như huyện Mai Sơn, bằng những giải pháp cụ thể huyện đã huy động được sức mạnh tổng hợp, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 15,64%, bình quân hàng năm giảm từ 2 - 3% theo đúng mục tiêu đề ra; thu nhập bình quân đạt 37,8 triệu đồng/người/năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệnh về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư… Cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững.
Hải Uyên
Từ khóa: