Văn hóa - Thể thao
Sự giao thoa giữa truyền thống với hiện đại trong hội họa: Yếu tố quan trọng và ý nghĩa
03:10 PM 16/04/2024
(LĐXH)-Việc kết hợp yếu tố hiện đại và truyền thống có thể mang lại những ý tưởng đột phá và giá trị mới mẻ, nhưng việc giữ nguyên bản chất lịch sử của các tác phẩm này phụ thuộc vào cách nghệ sĩ truyền đạt thông điệp.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận là một con người có tâm hồn trân quý và nhiệt huyết với sứ mệnh giáo dục. Tốt nghiệp học vị Tiến sĩ tại CHLB Đức, mang trong mình bề dày kiến thức và tinh thần quốc tế như ông lại được mọi người gọi bằng biệt danh thân mật là “Doanh nhân binh nhì”. Ngoài ra, sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận còn được thể hiện qua các vị trí quan trọng tại Văn phòng Chính phủ, Hội Mỹ thuật Việt Nam và đặc biệt là việc sáng lập và phát triển Đại học Nguyễn Trãi. Sứ mệnh xây dựng một tổ hợp giáo dục đồng bộ và chất lượng đã được ông hiện thực hóa, mang lại cho hàng ngàn sinh viên và học sinh cơ hội tiếp cận với một môi trường học tập và nghiên cứu chất lượng cao. 

 Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi

Trong một buổi phỏng vấn mới đây, những chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Hiệu Trưởng của Đại Học Nguyễn Trãi đã mở ra một góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về tầm quan trọng của sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại trong hội họa, cụ thể là trong các tác phẩm họa sĩ Nguyễn Văn Chiến. 
Thưa ông! Cơ duyên nào khiến ông quyết định lựa chọn những tác phẩm của hoạ sĩ Văn Chiến để trưng bày vào bộ sưu tập nghệ thuật danh giá của Trường ĐH Nguyễn Trãi? 
Tôi đã biết đến hoạ sĩ Văn Chiến qua ấn tượng mạnh mẽ về chất lượng và ý nghĩa nghệ thuật trong các tác phẩm của ông. Với tôi, các tác phẩm này không chỉ thu hút người xem bằng vẻ đẹp tinh tế mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và giao tiếp giữa các dân tộc và quốc gia. Hơn nữa, ở trong tác phẩm của hoạ sĩ Văn Chiến, tôi thấy được “nét độc đáo trong chất liệu, màu sắc, kỹ thuật thể hiện triết lý tâm linh của người hoạ sĩ này”. 
Dưới góc nhìn của người từng công tác tại Hội Mỹ Thuật Việt Nam, ông có ấn tượng gì về các tác phẩm cũng như phong cách sáng tác của người hoạ sĩ này? 
Đúng vậy ! Tôi luôn có mối quan tâm đặc biệt và yêu thích với nghệ thuật và nền hội hoạ nước nhà. Hiện tôi đang nắm giữ bộ sưu tầm của 20 hoạ sĩ đương đại nổi tiếng. Trong đó, các tác phẩm của hoạ sĩ Văn Chiến đem lại cho tôi những cảm xúc rất thật và sống động, các sáng tác ấy chủ yếu nhờ sự kết hợp tinh tế giữa yếu tố truyền thống và hiện đại - điều mà hiện nay ít khi thấy ở tác phẩm của các hoạ sĩ có nhiều năm trong nghề. 

Các tác phẩm của hoạ sĩ Văn Chiến tái hiện lại vẻ đẹp quê hương

Một người hoạ sĩ có thể sử dụng tác phẩm của mình và kể được trọn vẹn câu chuyện tới những người yêu tranh là một điều rất đáng ngưỡng mộ. Hơn cả thế, việc bắt kịp được những xu hướng hiện đại để phù hợp với gu thẩm mỹ của giới trẻ ở độ tuổi này khẳng định người hoạ sĩ ấy phải có đầu óc sáng tạo tuyệt vời.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tác phẩm hội hoạ kết hợp yếu tố hiện đại và truyền thng. Vậy theo ông, tác phẩm này liệu có giữ được nguyên bản chất những giá trị lịch sử vốn có hay không? 

Tôi cho rằng việc kết hợp yếu tố hiện đại và truyền thống có thể mang lại những ý tưởng đột phá và giá trị mới mẻ, nhưng việc giữ nguyên bản chất lịch sử của các tác phẩm này phụ thuộc vào cách nghệ sĩ truyền đạt thông điệp. 

Từng là người lính chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại mặt trận Quân khu 5 nhiều năm, ông có nhận định gì về tính chân thực và tính lịch sử ở những tác phẩm thuộc chủ đề này của nền hội hoạ Việt Nam nói chung và các bức tranh của hoạ sĩ Văn Chiến nói riêng? 

Là một người từng trải qua những ngày tháng chiến tranh tại chiến trường Quảng Trị, tôi có những cảm xúc rất mãnh liệt mỗi khi nhắc về những kí ức đau thương và những trải nghiệm khó quên trong cuộc sống và chiến đấu. Và thông qua những tác phẩm của hoạ sĩ Văn Chiến, tôi nhìn nhận ra được sự chân thực cũng như tính hoài niệm trong kí ức của tôi về những tháng ngày đó. 

Nhưng ngược lại lối sáng tạo của các họa sĩ khác khi chiến tranh gắn liền với hình ảnh tan tác đau thương, hoạ sĩ Văn Chiến lại lựa chọn “việc tái hiện lại vẻ đẹp của quê hương và cuộc sống đô thị” và điều này “không chỉ đem lại niềm vui và sự ấm áp khi nhìn vào những bức tranh về phố cổ Hà Nội, về những ngôi nhà mái ngói, mà còn gợi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc về quê hương và cuộc sống hàng ngày”.

Tóm lại, tính chân thực và tính lịch sử của các tác phẩm về chiến tranh của nền hội hoạ Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm của hoạ sĩ Văn Chiến không phụ thuộc vào việc bức tranh ấy có yếu tố hiện đại hay không, mà đơn giản đó là việc ghi lại và truyền đạt những kí ức, cảm xúc và bài học từ những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. 

Trong tương lai, liệu ông có kế hoạch và định hướng gì để phát triển lĩnh vực nghệ thuật tại Đại học Nguyễn Trãi?

Với tôi, chắc chắn việc phát triển lĩnh vực nghệ thuật tại Đại học Nguyễn Trãi là một trong những mục tiêu quan trọng và dài hạn trong tương lai. Chúng tôi tin rằng nghệ thuật không chỉ là một phần quan trọng của văn hóa và giáo dục mà còn là một cách để tạo ra sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. 

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận chia sẻ về các dự án giáo dục và kế hoạch sắp tới để phát triển Trường Đại học Nguyễn Trãi 

Một phần của kế hoạch phát triển này có thể bao gồm việc tổ chức thêm các cuộc triển lãm nghệ thuật như triển lãm của hoạ sĩ Văn Chiến sắp tới đây, hoặc các cuộc triển lãm trưng bày sản phẩm của chính các bạn sinh viên có niềm đam mê với hội hoạ. Từ đó nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và sự đổi mới trong cộng đồng sinh viên Đại học Nguyễn Trãi cũng như trong cộng đồng sinh viên nghệ thuật tại địa phương. 

Chúng tôi cũng có thể xem xét các hoạt động khác như việc mở rộng chương trình giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực nghệ thuật, tăng cường hỗ trợ và khuyến khích cho sinh viên có đam mê và tài năng trong nghệ thuật, phát triển tư duy thẩm mỹ của thế hệ sinh viên thời đại mới cũng như tạo ra các cơ hội học tập và thực tập nghệ thuật cho sinh viên. 

Cuối cùng, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận mong muốn Triển lãm “Kỷ Niệm và Trải Nghiệm với 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến và Đại học Nguyễn Trãi” sắp tới không chỉ truyền tải được những thông điệp sâu sắc đầy tính triết lý tâm linh của hoạ sĩ Văn Chiến mà còn khơi gợi được cảm hứng cho sinh viên trong trường cùng với những người yêu nghệ thuật, hội hoạ. 

Triển lãm “Kỷ Niệm và Trải Nghiệm với 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến và Đại học Nguyễn Trãi sẽ khai mạc vào ngày 20/4/2024 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam tại số 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

PV