Tạ Quang Bạo - Nghệ sĩ tuổi cao vẫn không ngừng đam mê sáng tạo
(LĐXH) - Nhà điêu khắc kỳ cựu Tạ Quang Bạo - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho thấy sức sáng tạo không ngừng của mình khi ở tuổi ngoài 80, ông lần đầu tiên triển lãm cá nhân, giới thiệu đến công chúng 50 tác phẩm hội họa sơn mài đặc sắc mang phong cách hiện đại.
Dùng chất liệu sơn ta truyền thống, bứt phá tạo hình
Đó là nét đặc trưng nhất ở 50 bức tranh được trưng bày tại Triển lãm Hội họa Tạ Quang Bạo, đa số là khổ lớn, thể hiện 50 trạng thái cảm nghĩ khác nhau của tác giả về cuộc đời, con người và thiên nhiên được vẽ theo phong cách hiện đại, trừu tượng.
Chính thức dấn thân vào lĩnh vực hội họa sơn mài khá muộn nhưng dường như nghệ sĩ gạo cội Tạ Quang Bạo tuổi ngoài 80 lại mang trong mình sức sáng tạo của chàng trai tuổi đôi mươi khi ông đã thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các danh họa Việt Nam từ thế kỷ trước về mặt tạo hình. Mặc dù chỉ dùng chất liệu vàng, son, sơn ta để tranh sơn mài thực sự thuần Việt nhưng bút pháp sáng tạo của của Tạ Quang Bạo lại hiện đại, mang hơi thở đương đại. “Tôi đang sống trong cái đương đại này thì tôi phải bộc lộ nó, thiếu nó thì tôi không phải là người của thời đại” - ông cho biết.
Tạ Quang Bạo chia sẻ thêm: “Chất liệu thì của dân tộc, mọi cái hay cái đẹp của sơn mài Việt đều đã được định hình bởi các tên tuổi lớn trong giới hội họa hết rồi, vậy làm thế nào để mình là người đi sau nhưng vẫn tìm ra được cái đẹp mới, tạo hình mới để khác với thành quả mà cha ông để lại, nếu không thì sáng tạo nghệ thuật sẽ chẳng còn ý nghĩa gì cả. Điều đó thật là khó khăn nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua được”.
Đây có thể được xem là một bước ngoặt rất ngoạn mục của Tạ Quang Bạo sau những thành công rất rực rỡ về tượng đài cũng như tượng salon.
Đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Thế Khoa, thực sự có một thế giới tranh sơn mài của Tạ Quang Bạo có thể so sánh với thế giới tượng của ông. Có lẽ đã từ lâu, khi sáng tạo điêu khắc, Tạ Quang Bạo đã nung nấu việc những gì ông không thể thể hiện được bằng đất, đồng, gỗ đá của tượng sẽ được ông thể hiện bằng được bằng màu sắc và hình khối của tranh. Chỉ có điều, niềm đam mê tượng như cơn cuồng phong đã cuốn ông say sưa đi trong thế giới của nó từ tuổi 20 tới tuổi 80. Đến tuổi 81, Tạ Quang Bạo, khi cảm thấy dường như những gì ông muốn làm với tượng đều đã làm được. Ông thấy đã đến lúc mình cần dành thời gian cho những gì từng nung nấu từ thời trẻ nhưng chưa thực hiện được về tranh, nhất là tranh sơn mài.
Vậy là trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây, dù bị nhiều bệnh nguy hiểm của tuổi già bủa vây nhưng ông vẫn không ngừng đam mê sáng tạo, ngày đêm “ăn ngủ”, đau đáu cùng phác thảo bố cục, màu sắc để đem đến cho công chúng thưởng lãm một thế giới sáng tạo đầy mới mẻ, trong đó biểu đạt ký ức, sức ngân rung của tưởng tượng và rung động thị giác rất đặc biệt nơi ông khiến người xem đi từ cảm xúc ngỡ ngàng đến kính phục.
Cũng giống như lĩnh vực điêu khắc, khi sáng tạo tác phẩm, họa sĩ không mô phỏng hay sao chép từ thực tế hoặc chịu ảnh hưởng bởi ai đó, ông sáng tạo những gì yêu thích theo cảm xúc tự thân về thế giới xung quanh ông. Điều này có lẽ bắt nguồn từ cái gốc, đó chính là nét cá tính tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. “Ở Tạ Quang Bạo có một sức mạnh nội tâm rất lớn thành ra không ai có thể đè cái bóng to lớn lên con người ông về mặt tư duy sáng tạo.” - Họa sĩ Vũ Dũng nhận xét.
Đó là minh chứng cho 50 bức tranh hội họa sơn mài của Tạ Quang Bạo được sáng tạo theo phong cách trừu tượng, hiện đại nhưng gần như không lặp lại. Ông đã thực sự làm chủ chất liệu sơn ta truyền thống và đem đến cho nó những khả năng mới, những biến hóa mới để thể hiện được tất cả những gì ông muốn nói với cuộc đời, với con người, với thế giới.
“Tạ Quang Bạo đã dành cả đời để lao động hăng say, sáng tạo không ngừng nghỉ, đề cao chất lượng nghệ thuật, đóng góp cho đất nước nhiều tác phẩm điêu khắc hoành tráng, tranh sơn mài đẹp, độc đáo. Trong mỗi tác phẩm của ông, dù là lĩnh vực điêu khắc hay hội họa đều toát lên tư duy sáng tạo nghệ thuật. Đó chính là giá trị cốt lõi, tinh hoa của một nghệ sĩ lớn”. - Họa sĩ Thành Chương phát biểu tại Triển lãm |
Mong muốn đóng góp một tiếng nói cho nghệ thuật sơn mài
Hiện nhà điêu khắc kỳ cựu đang đang sống cùng con cháu trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi tại ngõ 8 Vân Hồ (Hà Nội) mà phần lớn diện tích được dành để ông trưng bày các tác phẩm tranh, tượng salon cùng những kỷ vật bạn bè yêu mến vẽ tặng ông.
Ngồi dựa ghế sofa phòng khách rộng 80m trên tầng 2, người nghệ sĩ tuổi cao với mái tóc trắng như cước, nước da hồng hào, đầu đội chiếc mũ nồi nghệ sĩ quen thuộc, cặp mắt tinh anh ẩn sau gọng kính trắng, trông ông toát ra thần thái của một nghệ sĩ trí thức không ngừng học hỏi, bồi đắp kiến thức để sáng tạo nghệ thuật. Ông yên lặng, trầm tư để khách tự cảm nhận không gian nghệ thuật đầy ắp nơi đây.
Lặng lẽ ngắm các tác phẩm một hồi lâu, mắt tôi hút vào bức tranh lớn treo trên tường, cỡ khoảng 2m x 2,5m được ông đặt tên là “Quê nhà”. Tôi xem kỹ, thấy rất đẹp, một bức tranh được vẽ bằng gam màu lạnh, hiện đại, hài hòa trong đa dạng về sắc màu và hình khối. Tôi nhờ ông cắt nghĩa nhưng ông không giải thích bởi tranh của ông là tranh trừu tượng, ông muốn mỗi người hãy cảm nhận theo cách của riêng mình. Cá tính của một nghệ sĩ lớn là như vậy! Tạ Quang Bạo không vẽ tranh lệ thuộc vào nhu cầu thị hiếu của người xem. Ông vẽ để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo mà bấy lâu nay ấp ủ. Thậm chí, ông không có ý định bán tranh khi giá mỗi bức tranh của ông rẻ nhất cũng tầm 40-50 nghìn đô la. Bức “Quê nhà” được treo vị trí chủ đạo ở triển lãm cũng có giá tầm 300 nghìn đô la.
Tuyên ngôn nghệ thuật của Tạ Quang Bạo là sáng tạo tác phẩm để nó sống mãi với thời gian chứ không đơn thuần là vẽ tranh chỉ để kiếm sống. “Nghệ thuật đích thực luôn có chỗ đứng. Cái còn lại là tinh thần của mình cho đời sau.” - ông tin là vậy. Chính bởi tư duy đi trước thời đại và giá bán khá cao là một “bức tường” ngăn cách nghệ thuật tranh tượng của Tạ Quang Bạo đến gần hơn với công chúng.
Xem tranh sơn mài cũng như điêu khắc của ông, người xem chỉ biết đó là nghệ thuật đích thực vì nó đẹp mang tầm khái quát cao, thể hiện tài năng của nghệ sĩ trong tác phẩm nhưng công chúng rất khó hiểu, có cắt nghĩa vì sao mà nó đẹp. Ngược lại, trong mắt của giới chuyên môn thì các tác phẩm của ông luôn được đánh giá cao và gặt hái được nhiều giải thưởng, trong đó có hai giải lớn nhất là: giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Khi được hỏi, ông gặp những khó khăn gì khi “rẽ ngang” sang lĩnh vực khó là hội họa sơn mài mà lại toàn là vẽ trên những tấm vóc khổ lớn? Tạ Quang Bạo tâm sự: “Lúc tôi bắt đầu vẽ tranh thì cũng như đi lạc vào khu rừng rậm, cũng không biết đường nào mà ra nhưng càng làm thì lối nó càng rộng mở và khi mình càng hiểu sâu hơn, mình làm càng đẹp hơn. Còn nỗi khó khăn, vất vả là đương nhiên, nhiều đêm tôi không ngủ được, cứ trằn trọc suốt…”
Người nghệ sĩ gạo cội cho biết, tuổi thật của ông là Kỷ Mão (1939), năm nay ông đã bước sang tuổi 85, trải qua nhiều lần tai biến, ốm đau bệnh tật nhưng ông dù còn một chút sức khỏe cũng tranh thủ làm những việc mình đam mê, yêu thích, qua đó mong muốn đóng góp cho hội họa sơn mài Việt Nam một nhân cách, một góc nhìn nghệ thuật mới trong các tác phẩm của mình.
Đón xuân Giáp Thìn, xin kính chúc ông luôn được khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn để thực hiện tốt những dự định trong tương lai.
Một số tác phẩm hội họa của Tạ Quang Bạo
Bức "Tây Bắc"
TÙNG DƯƠNG
-
Năm 2024: Làng nhạc Việt ồn ào nhất 'cú xoạc chân' của Thanh Lam
23-12-2024 13:09 46
-
Đạo diễn Đỗ Bảo Ngọc ấn tượng với Sự kiện tinh hoa trời đông Hà Nội
22-12-2024 22:33 43
-
“Yêu em không cần lời nói” – bộ phim lãng mạn Hàn Quốc cập bến Việt Nam dịp Giáng sinh
19-12-2024 23:52 34
-
Nestlé khởi động Chương trình “Cùng Nestlé, Cầu Tết Chất Lượng Trong Tay” tôn vinh giá trị Tết truyền thống Việt Nam
15-12-2024 16:36 09
-
Hội Sách Giáng Sinh 2024 - Noel rộn ràng yêu thương: Săn sách hay giảm đến 70%
14-12-2024 17:56 42
-
Thúc đẩy kết nối giao thông thông minh tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
12-12-2024 21:59 20
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00