Ảnh hưởng của dịch Covid 19 và những chính sách bảo đảm an sinh xã hội trong đại dịch
(LĐXH) Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng y tế mà còn một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội nghiêm trọng chưa từng có. Điều này đòi hỏi phải thực hiện và mở rộng hơn các gói an sinh xã hội (ASXH) nhằm đảm bảo đời sống cho NLĐ cũng như người dân trong bối cảnh dịch bệnh covid, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Ở Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã trải qua bốn đợt bùng phát và đến nay vẫn chưa chấm dứt. Việt Nam, tuy được đánh giá là một trong số ít các quốc gia ứng phó tốt với dịch bệnh, nhưng thị trường lao động – việc làm của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong 7 tháng đầu năm 2021, tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, nơi chiếm 48% số doanh nghiệp trong cả nước đã có tới 79.673 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, đợt dịch này đã và đang tác động mạnh vào khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tập trung lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Tính tới thời điểm ngày 13/8/2021, theo báo cáo nhanh của các tỉnh, thành phố phía Nam, đã có khoảng 2,5 triệu lao động phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trong cả nước.
Thất nghiệp, thiếu việc làm trong đại dịch covid đã dẫn đời sống của người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn bởi không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sút. Điều này đòi hỏi phải thực hiện và mở rộng hơn các gói ASXH nhằm đảm bảo đời sống cho NLĐ cũng như người dân trong bối cảnh dịch bệnh covid, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Pháp luật nước ta đã có những quy định nhằm đảm bảo ASXH cho mọi người dân, bao gồm các lĩnh vực về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), ưu đãi xã hội (ƯĐXH), trợ giúp xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản. Các lĩnh vực này đã tạo thành các tầng, các lưới đỡ cho người lao động, người dân khi gặp các rủi ro trong cuộc sống. Đại dịch covid xảy ra, các lĩnh vực pháp luật về ASXH đều phát huy tác dụng, vai trò của mình, trong đó phát huy tác dụng nhất chính là pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và trợ giúp xã hội.
Về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện với các chế độ: hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ khi bị mất việc làm và tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho NLĐ.
Do đại dịch covid rất nhiều người bị mất việc làm, không có việc làm nhưng lại không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để hỗ trợ cho người lao động trong những trường hợp này, ngày 1/10/2021 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 28/2021/ QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, đối với những người lao động tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 sẽ được nhận hỗ trợ từ kết dư quỹ BHTN. Mức trợ cấp được xác định tùy theo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, quyết định cũng quy định việc giảm mức đóng BHTN cho NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid. Cụ thể giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng. Thời gian thực hiện giảm : 12 tháng, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện quyết định 28/2021/ QĐ-TTg , tính đến tháng 10/2021 đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho 425.117 người lao động.
Chi trả tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19
Về bảo hiểm y tế, trong đại dịch Covid, chăm sóc y tế cũng như chi trả các chi phí y tế là những vấn đề được đặt lên hàng đầu. Pháp luật đã có những quy định về chế độ bảo hiểm y tế cho những người tham gia BHYT khi họ khám chữa bệnh và điều trị… Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, sẽ có nhiều chi phí y tế phát sinh mang tính đặc thù, bởi vậy cùng với quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn, Bộ Y tế còn ban hành Công văn số 3100/BHYT- BH về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch bệnh covid – 19.
Theo đó, đối với người có thẻ bảo hiểm y tế đang trong thời gian cách ly y tế tập trung do COVID-19 phải khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, sẽ được Ngân sách nhà nước chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh do COVID-19, bao gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền….theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như đối với trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến (trừ chi phí đã nêu ở trên). Người có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 2259/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân hướng dẫn về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giai đoạn covid 19 nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Về trợ giúp xã hội, trợ giúp xã hội là sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, nhằm bảo đảm đời sống tối thiểu cho họ, từ đó giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Trong đại dịch covid, trợ giúp xã hội khẩn cấp là hình thức trợ giúp đặc biệt quan trọng. Theo quy định của pháp luật, trợ giúp xã hội khẩn cấp là hình thức trợ giúp mang tính đột xuất cho các cá nhân, hộ gia đình khi gặp rủi ro, khó khăn bất ngờ như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn… Các hỗ trợ ở đây bao gồm: hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ chi phí điều trị, hỗ trợ chi phí mai táng, hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất….
Mức trợ giúp phụ thuộc vào loại rủi ro xảy ra và được tính trên cơ sở mức độ thiệt hại.
Pháp luật cũng cho phép UBND cấp tỉnh có quyền quyết định việc chi trả trợ giúp xã hội cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương (có thể cao hơn so với quy định của pháp luật). Đặc biệt đối với trợ giúp xã hội trong tình trạng khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nặng và các nguồn kinh phí quy định không đủ để thực hiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ hàng hóa từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định.
Trong bối cảnh đại dịch covid, để đảm bảo đời sống cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch covid.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 với mức 5 triệu đồng/trẻ em và 124 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 với mức 1 triệu đồng/trẻ em.
Đại dịch COVID-19 kéo dài quá lâu và diễn biến khá phức tạp đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Hệ thống pháp luật về ASXH hiện hành tuy có dự liệu về bối cảnh này song không thể lường hết được các tình huống. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết nhằm hỗ trợ cho NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch covid. Cụ thể ngay khi đại dịch covid bùng phát, năm 2020 Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 42) và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 15), gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đã được triển khai đồng bộ tại nhiều địa phương trong cả nước, hướng tới khoảng 20 triệu đối tượng, thuộc 7 nhóm được đánh giá là “một quyết định chưa có trong tiền lệ, một quyết định thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân”.
Việc triển khai Nghị quyết 42 trong thời gian gấp và chưa có tiền lệ, tuy kết quả chưa được như mong muốn nhưng cũng đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ cho 14,4 triệu người, riêng tiền mặt hỗ trợ trực tiếp 13.000 tỷ.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP được đánh giá chưa bao quát hết đối tượng cần được hỗ trợ, như lao động tại các đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, giáo dục nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ chức không phải doanh nghiệp...; thủ tục nhận hỗ trợ còn rườm rà, điều kiện hưởng hỗ trợ còn khắt khe. Chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất mới thực hiện được 600 tỷ đồng trong tổng số 6,5 nghìn tỷ đồng dự kiến; đặc biệt, gói 16 nghìn tỷ đồng của chính sách tín dụng cho vay qua Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ DN chi trả tiền lương cho NLĐ chưa có DN nào đủ điều kiện tiếp cận.
Để khắc phục những bất cập của Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 1/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Mục tiêu của Nghị quyết là nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Có thể thấy Nghị quyết 68/NQ-CP đã hướng đến sự hỗ trợ cho cả NLĐ và NSDLĐ. Đặc biệt những lao động tự do, đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn trong đại dịch Covid cũng đã nằm trong nhóm đối tượng được trợ giúp. Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23 được đánh giá là triển khai đúng hướng, thiết thực và đúng đối tượng. Đặc biệt thủ tục triển khai thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục, rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42/NQ-CP.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các chính sách theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 không thể nào thông thoáng hơn, có chính sách như hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động không phải kê khai gì, chỉ chờ tiền về tài khoản. Nghị quyết 68 cũng chỉ phát hiện 2 vướng mắc và đã sửa ngay bằng Nghị quyết 126.
Tính đến ngày 24/7 đã có 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương, và đang triển khai nghị quyết. Đối với việc đóng BHXH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã có 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022) khoảng 4.322 tỷ đồng. Cơ quan BHXH cũng đã Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 120 đơn vị với 9.533 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 61,53 tỷ đồng tại 24 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, Cơ quan BHXH đã xác nhận cho 52.081 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 5.922 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Hiện tại đã hỗ trợ 31.348 NLĐ, tổng số tiền gần 62,7 tỷ đồng. Đặc biệt đối lao động tự do, đối tượng được xác định là bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất vì dịch bệnh nhưng cũng là khu vực khó triển khai chính sách nhất, Chính phủ đã chỉ đạo để thực hiện linh hoạt, phân quyền mạnh cho địa phương để cơ sở giải quyết thật nhanh. Tại thành phố HCM 248.000 lao động tự do, tương đương 100% đối tượng được hưởng chính sách đã được hỗ trợ với ước tính 426 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt hỗ trợ lần 2 cho 3 nhóm đối tượng, gồm lao động tự do, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng.
Đại dịch covid kéo dài đã ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống của người dân. Để mở rộng hơn các đối tượng hưởng ASXH và đảm bảo cho mọi người dân, đặc biệt là lao động tự do có thể tiếp cận được với quyền hưởng ASXH Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 126 ngày 8/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do COVID-19 ở các chính sách như: Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chính sách hỗ trợ NLĐ bị ngừng việc, chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.
Báo cáo nhanh của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến ngày 14/10/2021, cả nước có 24,26 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với tổng kinh phí gần 21,89 nghìn tỷ đồng./.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08