Tái bản bộ sách “Thời gian và nhân chứng” tôn vinh 43 nhà báo lão thành
(LĐXH) - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã biên tập và tái bản bộ sách “Thời gian và nhân chứng” (Hồi ký của các nhà báo) do GS. NGND Hà Minh Đức (chủ biên) cùng tập thể tác giả thực hiện trong hơn 10 năm.
Buổi giới thiệu sách lần này hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển, nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm tôn vinh những cống hiến của các nhà báo lão thành với nền báo chí cách mạng đã trở thành di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trải qua nhiều khó khăn vất vả bộ sách với ba tập nội dung và hơn bốn mươi bài viết đã khắc họa chân dung các nhà báo gạo cội, thầm lặng đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam.
Tại buổi ra mắt sách, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, cuốn sách là những câu chuyện rất quý, được mọi người đánh giá rất cao về ý tưởng cũng như điều kiện khó khăn để thực hiện.
Bộ sách bao gồm 3 tập, với hơn 40 bài viết, tập trung khắc họa chân dung các nhà báo gạo cội, thầm lặng đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam. 43 nhà báo được giới thiệu trong bộ sách Thời gian và nhân chứng, phần lớn trong số đó là những nhà báo hoạt động trong thời kỳ từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 kéo dài qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tập I, giới thiệu chân dung của 13 nhà báo: Quang Đạm, Xích Điểu, Tô Hoài, Lê Kim, Trần Kư, Trần Lâm, Trần Công Mân, Vũ Tú Nam, Đỗ Phượng, Hữu Thọ, Xuân Thủy, Lê Bá Thuyên, Hà Xuân Trường. Ở đây ta bắt gặp một Quang Đạm học vấn uyên thâm, công hiến cả đời cho nghề báo, một Xích Điểu với thật nhiều kỷ niệm buồn vui trong hơn 60 năm cuộc đời làm báo, hay Hữu Thọ với những trăn trở, suy nghĩ về nghề đã được ông đúc rút đó là phải “suốt đời sống với cuộc sống và đề thông tin và đánh giá”… Tất cả, tất cả đều là những ký giả tâm huyết với nghề, hết lòng với người, đầy bản lĩnh, trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức.
Trôi theo dòng cảm xúc của tác giả, với các bài viết được giới thiệu trong tập II, bạn đọc hứng thú khám phá chân dung của 16 nhà báo: Thanh Châu, Trần Bạch Đằng, Hà Đăng, Hồng Hà, Thanh Hương, Trần Kiên, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê, Hồng Lĩnh, Hiền Nhân, Hữu Ngọc, Phan Quang, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tùng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Minh Vỹ. Thông qua chân dung của các nhà báo, người đọc sẽ có cái nhìn “thấu tim gan”, khá đa dạng, nhuần nhuyễn cả về lý luận và thực tiễn về nghề báo - một lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến tất cả mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bản thân cuộc đời của các nhà báo được giới thiệu đã là pho tiểu thuyết sống, theo đúng quan niệm về thể loại này.
Đó là câu chuyện dài về những con người mà số phận - cuộc đời - tình yêu của người ấy gắn liền với số phận của đất nước và dân tộc, với sự hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Tập III của bộ sách tiếp tục phác họa chân dung của 14 nhà báo Dương Kỳ Anh, Hàm Châu, Trần Đức Chinh, Thái Duy, Bảo Định Giang, Trần Mai Hạnh, Vũ Đình Hòe, Hồ Tiến Nghị, Đinh Phong, Trường Phước, Nguyễn Thành, Nguyễn Phú Trọng, Vũ Tuất Việt, Hồng Vinh… tạo được một sự hoàn chỉnh nhất định về đội ngũ các nhà báo cách mạng cho đến hếtthời kỳ chống Mỹ và chớm vào thời kỳ đổi mới.
Bộ sách được biên soạn công phu, nghiêm túc, giọng văn mộc mạc, đơn giản, những bài học không bao giờ cũ về tinh thần sáng tạo, ý chí, bản lĩnh của người cầm bút đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Lật mở từ trang đầu đến trang cuối của bộ sách, độc giả sẽ cảm nhận thông điệp gửi đến người làm báo và thế hệ tương lai rằng nghề nghiệp nào cũng cần có sự đắm say và cái tâm.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh 43 nhà báo trong 3 tập sách này thật sự là những chiến sỹ xung kích, tận tâm tận lực với nhiều sáng tạo trong phát hiện những nhân tố mới của cuộc sống, kịp thời cổ vũ, biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, nhân rộng ra toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt, được xã hội ghi nhận và tôn vinh./.
Thảo Lan
-
Chặng “nước rút” của TikTok Awards Việt Nam 2024: Câu chuyện nào sẽ được xướng tên vào ngày 23/11 sắp tới
22-11-2024 18:20 50
-
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quận Tây Hồ
22-11-2024 18:20 30
-
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" với những tác phẩm mang tinh thần Phật giáo
22-11-2024 11:00 04
-
NSƯT Hồng Liên, Hồ Quỳnh Hương lan toả tinh thần Phật giáo tại đêm nhạc “Sáng Đạo Trong Đời”
17-11-2024 22:24 57
-
Chính thức khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
17-11-2024 20:02 08
-
Tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt - Pháp miễn phí
16-11-2024 19:33 40