Sức khỏe - Đời sống
Tại sao xã hội Hàn Quốc lại quá khắc nghiệt với người nổi tiếng?
07:39 AM 21/02/2025
(LĐXH) - Cái chết của Kim Sae Ron là ví dụ mới nhất về sự khắc nghiệt và phán xét của công chúng Hàn Quốc đối với người nổi tiếng.

Các chuyên gia cho rằng, văn hóa "tước đoạt tương đối" ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc chính là nguyên nhân gốc rễ, khiến những người nổi tiếng phải chịu áp lực duy trì hình ảnh hoàn hảo và không được phép mắc sai lầm. Họ cũng rất khó được tha thứ.

Kim Sae Ron, người từng nổi danh với bộ phim The Man From Nowhere (2010) đã gần như mất đi sự nghiệp sau vụ lái xe gây tai nạn khi say rượu vào năm 2022. Vụ việc đã làm mất điện ở một khu dân cư tại Seoul. Nồng độ cồn trong máu cô lên tới 0,2%, vượt xa mức cho phép theo luật pháp Hàn Quốc.

Mặc dù Kim đã công khai xin lỗi và nộp phạt 20 triệu won, làn sóng chỉ trích cô từ công chúng vẫn không hề giảm sút.

Diễn viên quá cố Kim Sae Ron. Ảnh: Korea Herad.

Xã hội Hàn Quốc và sự khắt khe với người nổi tiếng

Các nhà xã hội học Hàn Quốc cho rằng, thái độ không khoan dung đối với sai lầm của người nổi tiếng - có thể đã đẩy Kim Sae Ron đến bờ vực. Nhiều người có cảm giác bất công và ganh tị đối với những người giàu có hoặc thành công hơn họ.

Giáo sư xã hội học Huh Chang-deog từ Đại học Yeungnam giải thích: “Những người nổi tiếng tại Hàn Quốc dường như có một cuộc sống hoàn hảo trong mắt người khác. Họ có ngoại hình đẹp, phong cách sống sang trọng, tài chính vững vàng. Đó là cuộc sống trong mơ mà nhiều người ao ước. Chính vì vậy, người nổi tiếng thường bị ghen tị.

Những vấn đề xã hội hiện nay như giá cả sinh hoạt cao khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy thiếu thốn và kém may mắn hơn. Từ đó, họ so sánh mình với người nổi tiếng. Điều này vừa khiến người nổi tiếng được tôn trọng, nhưng cũng đồng thời làm dấy lên sự đố kỵ và thù ghét họ”.

Giáo sư Choi Hang-sub từ Đại học Kookmin thì cho rằng, sự chú ý mà người nổi tiếng nhận được là "con dao hai lưỡi". Khi họ mắc lỗi, sự ghen tị từ công chúng càng trở nên gay gắt hơn.

“Người nổi tiếng từ lâu đã bị đặt ra những tiêu chuẩn vô cùng cao. Nhưng gần đây, ngày càng có nhiều trường hợp người nổi tiếng bị công chúng soi mói quá nhiều. Nhiều người cảm thấy họ có quyền lực khi tham gia vào việc phán xét và hủy hoại người khác”, giáo sư Choi giải thích.

Giáo sư Seol Dong-hoon từ Đại học Quốc gia Jeonbuk cũng bày tỏ, việc người nổi tiếng bị đối xử khắt khe còn bắt nguồn từ văn hóa tập thể của Hàn Quốc - nơi vô cùng coi trọng việc các cá nhân phải tuân theo chuẩn mực chung của xã hội.

“Những đặc điểm xã hội này đã tạo ra một môi trường không khoan dung. Những sai lầm cá nhân - đặc biệt là của người nổi tiếng - bị coi là không thể tha thứ. Xã hội Hàn Quốc có tính cạnh tranh cao, được định hình bởi hệ thống giáo dục và nghề nghiệp nghiêm ngặt nên gần như không có chỗ cho sự sai lầm. Người nổi tiếng phạm sai lầm không chỉ bị chỉ trích mà còn bị 'xóa sổ'”, giáo sư Seol Dong-hoon nói.

Tại sao Kim Sae Ron không thể quay lại sau scandal?

Kim Sae Ron khiến nhiều đồng nghiệp tiếc thương. Ảnh: Korea Herald.

Trong khi ở nhiều quốc gia khác, người nổi tiếng có thể xây dựng lại sự nghiệp sau những bê bối. Tuy nhiên, Kim Sae Ron dường như bị cô lập hoàn toàn.

Cô mất vai diễn, bị cắt cảnh trong các dự án phim, bị các nhãn hàng và truyền thông tẩy chay. Khi cố gắng kiếm sống bằng cách làm việc tại một quán cà phê, tìm đường trở lại hoạt động thông qua sân khấu kịch, nữ diễn viên tiếp tục bị chế giễu và quấy rối trực tuyến. Thậm chí, chỉ một bài đăng đơn giản trên mạng xã hội của cô cũng có thể làm bùng lên làn sóng chỉ trích mới.

Tình cảnh của Kim không phải là trường hợp cá biệt. Lịch sử ngành giải trí Hàn Quốc đã chứng kiến nhiều trường hợp người nổi tiếng bị đối xử khắc nghiệt khi họ mắc sai lầm. Ngành công nghiệp này duy trì một tiêu chuẩn đạo đức nghiêm ngặt đến mức gần như không có cơ hội thứ hai.

Giáo sư Koo Jeong-woo từ Đại học Sungkyunkwan nhận định: “Ở Hàn Quốc, người nổi tiếng không chỉ là một nghề đặc biệt mà họ còn được kỳ vọng phải đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức cao. Giữa người hâm mộ và người nổi tiếng tồn tại một ‘hợp đồng xã hội’ ngầm, trong đó người hâm mộ dành sự ủng hộ để giúp người nổi tiếng thành công, đổi lại, họ mong đợi thần tượng của mình cư xử đúng mực”.

Một số chuyên gia cũng cho rằng người hâm mộ Hàn Quốc có xu hướng gắn kết danh tính của mình với thần tượng. Nên khi người nổi tiếng phạm sai lầm, họ dễ dàng quay lưng với thần tượng.

“Nhiều người hâm mộ ở Hàn Quốc cảm thấy danh tính của mình gắn liền với thần tượng. Điều này tạo ra sự thân thiết giữa họ nhưng cũng có nhược điểm. Ví dụ khi người nổi tiếng mắc lỗi như lái xe khi say rượu, họ có thể bị quay lưng ngay lập tức”, các chuyên gia Hàn Quốc phân tích.

Nam diễn viên quá cố Lee Sun Kyun tự tử vì không chịu được áp lực. Ảnh: Yonhap.

Tiêu chuẩn kép đối với nữ giới?

Một số ý kiến cũng đặt câu hỏi liệu Kim Sae Ron có bị đối xử nghiêm khắc hơn vì cô là một nữ nghệ sĩ trẻ?

Ngành giải trí Hàn Quốc từ lâu đã bị chỉ trích vì tiêu chuẩn kép trong cách xử lý scandal của nghệ sĩ nam và nữ. Trong khi một số nghệ sĩ nam vẫn có thể trở lại sau những bê bối nghiêm trọng, nữ nghệ sĩ lại thường phải đối mặt với hậu quả nặng nề hơn, thậm chí là không thể cứu vãn sự nghiệp.

Cái chết của Kim Sae Ron ở tuổi 24 – độ tuổi mà nhiều người mới chỉ bắt đầu sự nghiệp – đặt ra nhiều câu hỏi đau lòng: Làm thế nào một cô gái từng được coi là tài năng triển vọng của Hàn Quốc lại bị đẩy đến kết cục này? Công chúng coi trọng công bằng và công lý lại có thể nhẫn tâm trừng phạt một số người, trong khi cho phép những người khác tiếp tục?

Mặc dù không ai phủ nhận rằng lái xe khi say rượu là hành vi nghiêm trọng, nhưng giáo sư Seol cho rằng cần phân biệt giữa chịu trách nhiệm và bị trừng phạt vĩnh viễn.

“Mọi người đều xứng đáng có cơ hội chuộc lỗi, nhưng một số người nổi tiếng không có cơ hội này. Thay vào đó, họ tiếp tục bị gắn chặt với sai lầm của mình và gần như không thể tiếp tục hoạt động”, giáo sư Seol nói.

Giáo sư Huh cũng nhấn mạnh: “Con người trưởng thành và trở nên tốt hơn bằng cách mắc lỗi. Chúng ta cần nhớ rằng người nổi tiếng cũng là con người. Họ không hoàn hảo”.

Băng Tâm