Tấm gương thương binh dân tộc Khmer đóng góp tích cực cho quê hương
(LĐXH)- Thương binh nặng 1/4 Thạch Sa Quang (dân tộc Khmer, mất 81% sức khỏe, ở khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) không chỉ gương mẫu xây dựng gia đình hạnh phúc, làm kinh tế, mà còn tích cực đóng góp cho xã hội, luôn làm theo lời Bác dặn "thương binh tàn nhưng không phế".
Trong câu chuyện với chúng tôi, ký ức về những năm tháng tuổi trẻ tuy gian khổ, nhưng đầy vinh quang và tự hào vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm người thương binh nặng Thạch Sa Quang.
Đó là một ngày đầu tháng 2 năm 1983, cùng với nhiều thanh niên đồng trang lứa, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ 22 tuổi Thạch Sa Quang từ giã gia đình, chia tay người vợ trẻ nhập ngũ làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.Thương binh Thạch Sa Quang luôn gương mẫu trong lao động và đời sống hàng ngày
Ông được biên chế về Sư đoàn 4, Quân khu 9, câp bậc hạ sĩ, chức vụ tiểu đội trưởng. Bám trụ chiến trường, ông tham gia chiến đấu cùng đồng đội lập nhiều chiến công, được cấp trên ghi nhận. Song trong một lần hành quân, đơn vị của ông bị địch phục kích. Ông bị trúng đạn của địch, mất đi chân phải và chân trái bị thương nặng, tê buốt không còn cảm giác. Không thể ở lại chiến đấu cùng đồng đội, ông được đơn vị đưa về nước và điều trị tại Bệnh viện Quân y Cần Thơ.
Lúc đó, thương binh Thạch Sa Quang mặc cảm, nghĩ rằng về sống với gia đình cũng chẳng làm gì được, nên tỏ ra tuyệt vọng, chán chường, thương người vợ trẻ phải cả đời gắn bó với người chồng tấm thân tàn phế.
Được vợ động viên, nói trước đây lành lặn có nhau nay thương tích như vậy phải cùng nhau vượt qua, an ủi ông hết lời. “Tôi nghĩ, đời sống quân nhân biết bao khó khăn hiểm nguy mình chịu đựng được, thì đời sống gia đình lẽ nào không vượt qua. Trở về dù tấm thân không còn lành lặn, nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường” - thương binh Thạch Sa Quang nhớ lại.
Trở về quê hương, vợ chồng ông lần lượt sinh 3 con, một gái 2 trai. Lúc bấy giờ, cuộc sống của gia đình trẻ gặp rất nhiều khó khăn, lại thêm vết thương cũ thường xuyên tái phát, đau nhức lúc trái gió trở trời, đã có lúc ông thấy chán nản và muốn từ bỏ tất cả.
Song những lúc như thế, ông luôn tâm niệm, trong chiến đấu người chiến sĩ không khuất phục trước kẻ thù thì về địa phương cũng không thể nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, cái đói cái nghèo đeo bám được. Người lính trên trận mạc, kiên gan trên mặt trận chống quân thù bao nhiêu thì càng phải anh dũng trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, lạc hậu bấy nhiêu. Với ý chí quyết tâm của người lính “cụ Hồ” như thế, ông xác định mình là trụ cột gia đình, không thể để vợ con đói khổ mãi được.
Mưu sinh với người lành lặn đã khó, với tỉ lệ thương tật trên người 81% như ông càng khó gấp vạn lần, nhưng không vì thế mà ông nhụt chí. Không thể cấy ruộng, leo dừa như trước, thương binh Thạch Sa Quang tìm tòi, học hỏi kỹ thuật và tích cóp đầu tư nuôi heo, nuôi gà và quán xuyến việc bếp núc. Trong khi vợ và các con đảm đương việc ruộng đồng. Đời sống khó khăn, nhưng gia đình luôn san sẻ, động viên nhau đã khiến tình cảm vợ chồng thêm gắn bó, tiếp thêm nhiều nghị lực để cùng nhau vượt qua ngày tháng khó khăn.
Với nỗ lực vượt khó, đồng vợ đồng chồng mỗi năm gia đình tích lũy được vài chục triệu đồng và mua được 3 công ruộng mở rộng sản xuất. Kinh tế từ đó dần ổn định, các con của ông được đầu tư học hành đến nơi đến chốn, giờ đã trưởng thành, có cuộc sống riêng đủ đầy, hạnh phúc.
Ông kể, gia đình từ lâu sống bằng nghề chăn nuôi heo, nhưng mấy năm gần đây giá heo thấp, bị tư thương ép giá nên bị lỗ, do đó số lượng thu nhỏ lại. Do đó, ông kết hợp trồng trọt thêm cây ăn trái như bưởi, xoài cho năng suất cao… Hàng tháng, ngoài số tiền trợ cấp, thu nhập chăn nuôi và trồng trọt cũng đảm bảo cuộc sống, không còn thiếu thốn. Được biết, ông là người đi đầu trong phong trào “Cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo và giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” ở thị trấn Tiểu Cần.
Không chỉ vượt khó, tự lực vươn lên trong cuộc sống, thương binh Thạch Sa Quang còn tích cực tham gia các phong trào, xây dựng mối đoàn kết ở địa phương. Vất vả chắt chiu dành dụm từng đồng để mua đất sản xuất, nhưng cách đây gần chục năm, khi thị trấn Tiểu Cần triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông đã không hề đắn đo, sẵn sàng hiến hơn 200m2 đất để địa phương xây dựng đường bê tông liên ấp.
Khi thị trấn Tiểu Cần cần hoàn thiện hạ tầng giao thông để được công nhận hoàn thành tiêu chí văn minh đô thị, gia đình ông lại hiến tiếp 300m2 đất để xây đường.
Qua quá trình tham gia kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông được Đảng và Nhà nước khen thưởng Huy chương Chiến công hạng Ba, cùng nhiều giấy khen của các cấp hội Cựu chiến binh và địa phương; nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Năm 2019, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thương binh Thạch Sa Quang vinh dự được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh lựa chọn, giới thiệu tham dự “Hội nghị gặp mặt biểu dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc” tại thủ đô Hà Nội. Tại đây, ông được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và tặng Bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội”.
Chia sẻ về niềm vui này, thương binh Thạch Sa Quang nói: “Để có được những kết quả như ngày hôm này là do ý chí, nghị lực của bản thân và gia đình, cùng với sự giúp đỡ của đồng chí đồng đội, chính quyền địa phương. Tôi đã khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu vươn lên; đặc biệt là nhờ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước ban hành phù hợp, kịp thời quan tâm, chăm lo, từng bước nâng cao đời sống gia đình các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Về mặt xã hội, tôi và gia đình luôn chấp hành nghiêm chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết với mọi người xung quanh; gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, được Đảng tin tưởng, nhân dân tín nhiệm và nhiệt tình ủng hộ”./.
Hồng Minh
Từ khóa:
-
Thành phố Lào Cai làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công
21-12-2024 20:16 01
-
Quảng Bình: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp giảm nghèo bền vững
21-12-2024 16:58 49
-
Bình Định: Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo
21-12-2024 16:58 40
-
Nam Định: Lan toả sâu rộng phong trào hỗ trợ nhà cho người nghèo
16-12-2024 14:16 32
-
Chương trình “Kết nối những vòng tay” – Chủ đề Tết cho trẻ em nghèo năm 2024: Món quà yêu thương dành cho Trường Mầm non xã Diễn Yên
20-12-2024 07:34 08
-
“Mùa xuân cho em” lần thứ 18 tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
20-12-2024 07:19 40
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00