Tân Sơn: Triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo
(LĐXH) – Các cấp, ngành của huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đang triển khai nhiều giải pháp giúp giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh với tổng diện tích tự nhiên trên 68 nghìn ha, có 17 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi gồm 26 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 83,5%. Xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tỉ lệ hộ nghèo cao, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, huyện Tân Sơn… nhân dân các dân tộc trong huyện ra sức thi đua, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa Tân Sơn thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2018 (vượt trước hai năm so với kế hoạch).
Mô hình trồng chè của người dân tộc Mường ở xã Long Cốc
Thời gian qua, huyện đã lồng ghép hiệu quả mọi nguồn lực, nguồn vốn với các chương trình, dự án hỗ trợ người dân như: Phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi đại gia súc, cây lương thực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn… góp phần giảm nghèo bền vững. Hết năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi là 16,37%, giảm được 1,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo vùng DTTS và miền núi còn 9,03%, giảm được 1,5%; tỉ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm được 1,8%.
Hiện nay Tân Sơn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn này là trên 343,5 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 312 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh trên 31 tỉ đồng. Bí thư Huyện ủy Tân Sơn Phạm Thanh Tùng khẳng định, trong điều kiện khó khăn, thách thức phía trước, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả sức mạnh của hệ thống chính trị và nội lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 có 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3%...
Thời gian qua, huyện cũng triển khai nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như trồng cây quê, cây chè… Cây quế được đồng bào dân tộc nơi đây coi là “vua” của các loại cây lâm nghiệp và đang dần trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao. Quế phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên được bà con trồng nhiều trên các đồi, nương và sân vườn nhà. Bên cạnh đó, cây chè cũng là một trong những loại cây giúp bà con huyện Tân Sơn giảm nghèo. Cây chè vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho bà con nông dân. Một số chủ trương, chính sách nâng cao giá trị cây chè đã được thực hiện và mang lại hiệu quả. Nhờ đó, đến năm 2018, Tân Sơn chính thức ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước.
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thu Cúc trao quyết định thành lập mô hình liên kết "Chăn nuôi gà thương phẩm"
Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thu Cúc đã tổ chức ra mắt mô hình liên kết “Chăn nuôi Vịt suối” tại khu Ú và “Chăn nuôi Gà thương phẩm” tại khu Chiềng 2. Mô hình được triển khai cho hội viên, phụ nữ thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi tại xã Thu Cúc với mong muốn giúp cho chị em hội viên phụ nữ được tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi để phát triển kinh tế. Đồng thời tăng cường tính liên kết, hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc chăn nuôi vịt suối và gà thương phẩm không bị dịch bệnh, đảm bảo năng suất, chất lượng, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.
Tổng kinh phí thực hiện cho cả 02 mô hình là 18 triệu đồng; theo đó, các hộ gia đình nuôi vịt suối tại khu Ú được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 10 triệu đồng tiền con giống. Ngoài ra, hội viên phụ nữ được tham gia các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc con giống, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh… Với quy trình chăn nuôi gà thương phẩm và vịt suối, được tận dụng nguồn thức ăn sẵn có (ngô, thóc, sắn, và cây chuối, rau khoai, suối, vườn rộng… nên chất lượng thịt thơm, ngon, chất lượng đảm bảo, an toàn.
Dự kiến sau 4 tháng, xuất bán vịt suối với giá thu mua bình quân từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg; nuôi gà thương phẩm sau 5, 6 tháng có thể xuất chuồng với giá thu mua từ 120 đến 130 nghìn đồng/kg. Nhằm tạo việc làm cũng như thu nhập cho hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình Liên kết "Chăn nuôi gà thương phẩm" và "Vịt suối" cũng là dịp để chị em gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần củng cố tổ chức Hội, tập hợp và thu hút hội viên trên địa bàn xã. Đây là mô hình góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho xã Nông thôn mới, là mô hình làm thí điểm để nhân rộng trên địa bàn xã, huyện./.
Hưng Cảnh
Từ khóa:
-
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
13-11-2024 14:48 14
-
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
13-11-2024 11:14 02
-
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
13-11-2024 08:48 35
-
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
07-09-2024 18:54 08
-
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
11-11-2024 18:36 07
-
Tri ân người có công ở Mộc Châu
26-07-2024 14:24 00