Tăng cường các giải pháp khắc phục hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn
(LĐXH)- Công tác khắc phục hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ được các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, với mục tiêu giảm bớt, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom, mìn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom, mìn hòa nhập đời sống xã hội.
Thực hiện Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, năm 2021- 2022, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) đã phối hợp với một số đơn vị liên quan thực hiệm một số nhiệm vụ: Duy trì, vận hành và khai phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật, nạn nhân bom mìn với hơn 90 nghìn người trên phạm vi cả nước; Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn và gia đình nạn nhân tại một số địa phương. Cơ sở dữ liệu từ hệ thống phần mềm đã được ứng dụng trong cấp giấy xác định mức độ khuyết tật, quản lý hỗ trợ trường hợp và hỗ trợ khám sức khỏe, phục hồi chức năng, sinh kế, đào tạo dạy nghề, giải quyết chính sách cho nạn nhân bom mìn tại các địa phương. Đến nay, phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn đã được triển khai trên địa bàn 09 tỉnh/thành phố, gồm: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định, Vĩnh Long.
Thống kê hiện nay, cả nước có hơn 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom, mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật (NKT). Nạn nhân bom, mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Công tác trợ giúp xã hội thiết yếu cho nạn nhân bom, mìn, bao gồm: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm; lao động, sản xuất, kinh doanh; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội...
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập) đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động và dạy nghề, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa và chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn cũng được quan tâm với 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hòa nhập, 4 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt. Hệ thống giáo dục này cùng các cơ sở trợ giúp xã hội đã đưa khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật ở độ tuổi đi học đến trường. Các tỉnh, thành phố từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác khắc phục hậu quả bom mìn vẫn còn một số khó khăn như: Đa số nạn nhân bom mìn tập trung ở khu vực nông thôn, điều kiện sống khó khăn, thuộc các hộ nghèo hoặc cận nghèo, không có việc làm, thu nhập bấp bênh. Mặt khác, việc nhận thức về nguy cơ bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh của người dân chưa cao nên nhiều vụ tai nạn xảy ra đều do thiếu hiểu biết.
Do vậy, trong thời gian tới, cần đưa các dự án khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các địa phương; lồng ghép các dự án thuộc chương trình vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động khác có liên quan trong quá trình triển khai. Tăng cường công tác tuyên truyền hậu quả do bom mìn gây ra và công tác phòng tránh tai nạn cho người dân và cộng đồng; chú trọng giáo dục nguy cơ về bom mìn cho người dân, học sinh ở các vùng ô nhiễm bom, khả năng tự nhận biết bom mìn, vật nổ, có ý thức phòng tránh để biết tự bảo vệ chính mình và cộng đồng.
Đồng thời, xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công tác khắc phục bom mìn; đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và tập huấn ở trong nước và nước ngoài đối với đội ngũ cán bộ quản lý điều hành công tác khắc phục hậu quả bom, mìn; nghiên cứu phát triển công nghệ rà phá bom, mìn; Phát huy vai trò trách nhiệm của các bộ, ngành và các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, vận động thu hút nguồn lực (trong nước và quốc tế), quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án của chương trình./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
13-11-2024 08:48 35
-
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
12-11-2024 17:27 31
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25