Xã hội
Tăng cường hệ thống bảo vệ và chăm sóc thay thế cho trẻ em
02:13 PM 09/10/2020
(LĐXH) – Ngày 8/10/2020, tại Hà Nội, Cục Trẻ em, Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội phối hợp với UNICEF tổ chức Hội thảo trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức các bên liên quan về khái niệm chăm sóc thay thế phù hợp với hướng dẫn và tiêu chuẩn quốc tế, góp phần đóng góp cho những cải cách đang diễn ra đối với hệ thống bảo vệ trẻ em và quá trình xây dựng chính sách, thực hành chăm sóc thay thế ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em (2/1990). Những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em. Ngày càng có nhiều trẻ em được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay từ trường mầm non và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa ngày càng nhanh đã dẫn đến việc gia tăng thất nghiệp, tình trạng ly hôn ngày càng cao, dẫn đến số lượng trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt ngày càng tăng. Với sự chăm sóc tại gia đình và tại các cơ sở chăm sóc thay thế do nhà nước quản lý đối với những em không có người chăm sóc chính, chăm sóc thay thế dựa vào cộng đồng còn hạn chế đã chuyển thành việc thiếu vắng hẳn một hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng chính thống và do đó trẻ khuyết tật không được chăm sóc đầy đủ. Do đó, Ủy ban của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em bày tỏ lo ngại trước tình trạng trẻ em bị tước mất môi trường gia đình ở Việt Nam và giải pháp chăm sóc thay thế cho trẻ còn hạn chế.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Mặc dù việc bảo vệ và hỗ trợ tất cả trẻ em dưới 18 tuổi khỏi bị bạo hành, lạm dụng, bóc lột … là yêu cầu cấp thiết song hệ thống chăm sóc thay thế tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trước những thách thức đặt ra, UNCEF đã phối hợp với Chính phủ nhằm tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em thông qua việc sửa đổi và xây dựng các luật liên quan đến trẻ em cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Về cơ bản, chăm sóc thay thế là hình thức chăm sóc tạm thời khi cha mẹ, người chăm sóc, bảo hộ của trẻ không có khả năng hoặc không muốn chăm sóc trẻ. Các loại hình chăm sóc ưu tiên là tái hòa nhập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, việc chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế tại các cơ sở tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng khi trẻ chưa có cơ hội được chăm sóc nuôi dưỡng tại gia đình. Kinh nghiệm của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới cho thấy, hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình, họ hàng hoặc các gia đình không có quan hệ ruột thịt nhưng có tình yêu thương trẻ em là hình thức tốt nhất, bảo đảm nguyên tắc “Vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”. Khi sống trong môi trường gia đình, các em sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ hơn cả về thể chất và tinh thần vì chỉ khi được chăm sóc tại một gia đình, các em mới được an toàn, được cung cấp thức ăn, nước uống, được chăm sóc vệ sinh, giáo dục, cũng như đáp ứng về nhu cầu dinh dưỡng, được khuyến khích.
Trẻ em cần được chăm sóc toàn diện về mọi mặt (Ảnh minh họa)
Đánh giá nhanh về tình trạng bỏ rơi trẻ em và chăm sóc nhận nuôi của ở Việt Nam do Tổ chức Dịch vụ Xã hội Quốc tế (ISS) thực hiện cho thấy, hiện nay, công tác chăm sóc nhận nuôi vẫn đang ở trong giai đoạn thai nghén ở Việt Nam, việc phát triển hoạt động này đang được thực hiện thông qua các chương trình thí điểm được xây dựng và tài trợ bởi các tổ chức phi chinh phủ. Nhằm phát triển hệ thống chăm sóc thay thế hiệu quả và an toàn có cung cấp dịch vụ chăm sóc nhận nuôi, Việt Nam cần phải đảm bảo hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia thực hiện đầy đủ chức năng của mình, lồng ghép các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế chính thức và cơ chế kiểm soát phù hợp. Bằng việc suy xét kỹ lưỡng các nguyên tắc “cần thiết" và “phù hợp” được xác định trong nội dung chính của Báo cáo Đánh giá tình trạng bỏ rơi trẻ em và chăm sóc nhận nuôi ở Việt Nam cũng như nền tảng của hệ thống bảo vệ trẻ em chặt chẽ bao gồm tất cả các khía cạnh trong việc quản lý trường hợp bảo vệ trẻ em, rất có thể khi có sự định hướng lại về trọng tâm, nguồn lực và hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ gia đình, nhiều trẻ em đang được chăm sóc thay thế tại Việt Nam đã có thể, hoặc đáng lẽ ra nên được tiếp tục chăm sóc bởi cha mẹ hoặc người thân thích trong gia đình. Ngoài ra, có một số lo ngại về việc chưa thể xác định số lượng trẻ em cần được bảo vệ; số trẻ em cần được chăm sóc nhưng không phải lúc nào cũng được sắp xếp chăm sóc trong môi trường an toàn. Theo các tiêu chuẩn quốc tế, khoảng thời gian thực hiện chăm sóc thay thế cần ngắn nhất có thể, tức chăm sóc nhận nuôi không nên được tiếp tục coi là một phương án chăm sóc thay thế lâu dài tại Việt Nam.  
Về vấn đề sử dụng và hiểu các công cụ và cơ chế kếm soát, nhóm nghiên cứu lSS/IRC nhận thắy những hạn chế trong khả năng hiểu và thực hành các quy trình của cán bộ tuyến đầu. Ví dụ, quan ngại nổi bật nhất liên quan đến việc cán bộ thiếu kỹ năng đánh giá một cách toàn diện và chi tiết. Đánh giá giúp xác định chính xác nhu cầu, hoàn cảnh và nguyện vọng của từng trẻ, từ đó phục vụ việc đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Sự thiếu hụt kỹ năng ngoài ra còn ảnh hưởng khả năng xây dựng các kế hoạch chăm sóc và bảo vệ thích hợp. Cụ thể, dường như các đánh giá được thực hiện tập trung vào tình hình sức khỏe thể chất và tài chính của người chăm sóc mà chưa cân nhắc đến tính cần thiết của việc nuôi dạy trẻ trong một môi trường nhiều tình thương và sự quan tâm. Không có bằng chứng cho thấy trẻ em đóng vai trò quan trọng và ý nghĩa trong việc đưa ra các quyết định về cuộc sống của các em, trong đó có quyết định lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế.
Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội được tuyển dụng và đào tạo cũng thiết hụt trầm trọng tại Việt Nam. Nhiều nhân viên được phỏng vấn cho biết chưa tham gia đào tạo tích hợp các kiến thức về những vắn đề quan trọng tác động đến sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ, bao gồm lý thuyết về sự gắn bó và tầm quan trọng của sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ. Các khóa đào tạo cho nhân viên công tác xã hội cũng chưa hướng dẫn áp dụng quản lý trường hợp bảo vệ trẻ em… 
Về vấn đề phát triển hệ thống chăm sóc nhận nuôi, theo hướng dẫn quốc tế, các nỗ lực cần được thúc đẩy ngay từ những bước đầu để ngăn chặn việc chia tách trẻ khỏi sự chăm sóc của cha mẹ một cách không cần thiết. Có rất ít bằng chứng cho thấy ban đầu trẻ đã được đánh giá toàn diện để xem xét rằng với sự hỗ trợ đầy đủ liệu trẻ có thể ở lại với gia đinh một cách an toàn không, trước khi quyết định đưa trẻ vào hình thức chăm sóc thay thế và sạụ đó là cân nhắc đến chăm sóc nhận nuôi. Ngoài ra, quá trình đưa ra các quyết định về việc tước bỏ hoặc tạm đình chỉ quyền của cha mẹ và bất kỳ tư cách pháp lý của người chăm sóc thay thế, bao gồm người chăm sóc nhận nuôi, hiện không tuân theo một quy trình hành chính hợp pháp/chính thức.
Ảnh minh họa
Đối với dịch vụ chăm sóc nhận nuôi, nhóm nghiên cứu lSS/IRC quan ngại về tình trạng thiếu đánh giá kỹ lưỡng những người nhận chăm sóc nhận nuôi tiềm năng cũng như thiếu đào tạo kỹ năng cho họ. Theo đó, hoạt động đánh giá khả năng của những người chăm sóc nhận nuôi tiềm năng trong việc cung cấp cho trẻ môi trường yêu thương chăm sóc mà trẻ cần và xứng đáng được hưởng chưa được thực hiện. Các hoạt động đánh giá hiện nay mới chỉ tập trung vào các điều kiện vật chất của gia đình mới, tình trạng việc làm, khả năng đảm bảo tài chính cũng như tiền án tiền sự của những người chăm sóc nhận nuôi tiềm năng. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn ghi nhận thêm hạn chế về khả năng ghép trẻ cẩn thận với người chăm sóc nhận nuôi khi quá trình này không hề có sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của trẻ. Người chăm sóc nhận nuôi không nên chọn lựa trẻ chỉ vì các em “xinh xắn”. Thậm chí, nhóm nghiên cứu còn lo ngại về tình trạng này khi người được phỏng vấn diễn tả cách thức cha mẹ nhận nuôi con nuôi khi chọn lựa trẻ.
Đối với nhóm trẻ bị bỏ rơi, ISS cũng đưa ra khuyến nghị cần sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng không hình sự hóa hành vi bỏ rơi trẻ em. Điều này sẽ giúp tháo gỡ rào cản khiến cha mẹ hay thành viên gia đình khác không dám nhận trách nhiệm và đón trẻ về. Thu thập dữ liệu định tính và định lượng nhằm xây dựng các biện pháp can thiệp phù hợp; Quy định và  sửa đổi, bổ sung định nghĩa về “bỏ rơi” và “từ bỏ” trẻ em trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phù hợp với hướng dẫn quốc tế. Rà soát và đảm bảo tính đồng bộ về thủ tục áp dụng các hình thức chăm sóc cho trẻ em bị bỏ rơi, bị từ bỏ…hoặc trẻ em có nguy cơ rủi ro cao do hiện nay những thủ tục này đang nầm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau như Nghị định 56/2017/NĐ-CP; Nghị định 136/2015/NĐ-CP và Nghị định 24/2019/NĐ-CP.
Ảnh minh họa
Triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức trên phạm vi toàn quốc nhằm xóa bỏ các giá trị và chuẩn mực văn hóa cổ hủ. Điều này giúp giải quyết và thách thức hành vi kỳ thị, phân bíệt đối xử liên quan đến con ngoài giá thú, mẹ đơn thân, phụ nữ chưa kết hôn, trẻ em gái chưa thành niên, trẻ khuyết tật, v v.. Cần tuyên truyền đến người dân những tác động bất lợi đối với trẻ em bị chia tách khỏi gia đình và được áp dụng các hình thức chăm sóc thay thế. Đảm bảo không kỳ thị và nếu cần, giữ kín danh tính khi cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những phụ nữ/cặp đôi sắp trở thành cha mẹ, nhất là cha mẹ trẻ và cha mẹ đơn thân - những người có rủi ro bỏ rơi trẻ em cao. Những dịch vụ hỗ trợ này cần được tiến hành song song với các hỗ trợ, dịch vụ giúp giải quyết nguyên nhân gốc rễ của hành vi bỏ rơi con, bao gồm nghèo, kỳ thị, phân biệt đối xử và Ioại trừ xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về nguyên tắc “cần thiết” và “phù hợp” trong khuôn khổ hệ thống bảo vệ trẻ em. Trong đó nhấn mạnh, không nên tách bất cứ trẻ em nào khỏi sự chăm sóc của cha mẹ, trừ khi được quyết định thông qua sự đánh giá nghiêm ngặt và lợi ích tốt nhất của trẻ và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng. Cùng với đó, một loạt các lựa chọn và quy trình chăm sóc phù hợp được đưa ra nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân, hoàn cảnh và mong muốn đã được đánh giá của từng trẻ và cung cấp hình thức chăm sóc phù hợp nhất, xác định lợi ích tốt nhất cho trẻ./.
Thục Quyên

 

Từ khóa: