Xã hội
Tăng cường hỗ trợ giáo dục cho trẻ tự kỷ trong các trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh
09:27 AM 29/11/2024
(LĐXH)- Dự án hợp tác kéo dài năm năm giữa các giáo viên với chuyên môn giáo dục đặc biệt tại Singapore và Việt Nam đã nâng cao năng lực giáo dục nhằm xây dựng môi trường học tập hòa nhập cho trẻ em mắc chứng Rối loạn phổ tự kỷ.
Dự án giáo dục đặc biệt của Quỹ Quốc tế Singapore (Singapore International Foundation - SIF) đã tăng cường chất lượng giáo dục về Rối loạn Phổ Tự kỷ (ASD) tại TP. Hồ Chí Minh bằng cách nâng cao năng lực cho 170 giáo viên với chuyên môn giáo dục đặc biệt từ 15 trường học và một bệnh viện.
Dự án "Dạy và Học dành cho Trẻ em mắc Rối loạn Phổ Tự kỷ" (Teaching and Learning for Children with Autism Spectrum Disorder - TLCASD) kéo dài 5 năm được tổ chức cùng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (HCMUE) và Trung tâm Rainbow Centre Singapore, nhằm nâng cao năng lực cho các nhà giáo dục trong việc xây dựng môi trường học tập hòa nhập dành cho trẻ mắc ASD thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng và chia sẻ các cách thức thực hành hiệu quả nhất.
Dự án hướng đến các mục tiêu:
  1. - Trang bị cho giáo viên với chuyên môn giáo dục đặc biệt những kiến thức sâu hơn về tự kỷ và các cách thức hiệu quả để làm việc với trẻ em mắc ASD.
  2. - Phát triển một hệ thống hỗ trợ cho các nhà giáo dục để giải quyết nhu cầu cụ thể của học sinh mắc ASD.
  3. - Xây dựng một khung chương trình phối hợp với phụ huynh và người chăm sóc để hỗ trợ trẻ tự kỷ một cách toàn diện.
  4. Bà Tan Sze Wee (giữa), Giám đốc Điều hành Trung tâm Rainbow Centre và tình nguyện viên quốc tế Singapore,

  5. bà Erni Noorhaidah (áo cam), Giáo viên Trưởng, Trung tâm Rainbow Centre thăm Trung tâm Giáo dục Đặc biệt

Khoảng 170 giáo viên Việt Nam đã tham gia các hội thảo đào tạo do các Tình nguyện viên Quốc tế Singapore (SIV) từ Trung tâm Rainbow Centre Singapore tổ chức. Một số giáo viên trong đoàn cũng đã tham dự hội thảo chuyên đề và chuyến thăm quan học hỏi tại Singapore. Các hoạt động này đã giúp giáo viên nâng cao cách thức giảng dạy và trang bị cho họ kiến thức để xây dựng môi trường học tập hòa nhập cho trẻ mắc ASD. Trong số đó, mười giáo viên đã được lựa chọn để trở thành Giảng viên Nòng cốt để chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn với đồng nghiệp trong ngành, đảm bảo duy trì dự án và tiếp tục mang lại giá trị cho cộng đồng giáo dục địa phương.
Toàn bộ giáo viên tham gia chương trình cho biết họ được tiếp cận với kiến thức và kỹ năng nâng cao, đồng thời tự tin hơn trong quá trình hỗ trợ học sinh mắc ASD. Tám mươi phần trăm trường học tham gia đã thực hiện các thay đổi nhằm đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của trẻ mắc ASD, bao gồm áp dụng các cách thức thực hành đã được kiểm chứng nhằm cải thiện giao tiếp trong lớp học và xây dựng môi trường học tập với thiết kế thân thiện với học sinh.
Thiết kế của các lớp học được thay đổi để tạo ra các góc học tập riêng biệt và sử dụng các công cụ trực quan để khuyến khích giao tiếp và tương tác giữa học sinh. Giáo viên cũng áp dụng các phương pháp can thiệp dựa trên hoạt động thực tiễn, sử dụng các bài tập hàng ngày để rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Các hoạt động này được thiết kế phù hợp với sở thích và thói quen của học sinh nhằm thúc đẩy phát triển các kỹ năng thực tế. Để mở rộng hỗ trợ vượt ra ngoài phạm vi lớp học, giáo viên đã tổ chức các buổi thảo luận và chia sẻ cho phụ huynh những chiến lược cùng tài liệu hữu ích nhằm hỗ trợ con em mình hiệu quả hơn tại nhà. Những nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy phương pháp giáo dục hòa nhập và bền vững dành cho trẻ em.
Phát biểu tại sự kiện bế mạc, ông Jaryll Chan, Giám đốc Điều hành, Ban Chương trình, Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) chia sẻ: “Dự án này là minh chứng cho những thành quả có thể đạt được khi các cộng đồng vượt qua ranh giới quốc gia để cùng chung tay vì một mục tiêu chung. Thông qua tinh thần cống hiến và năng lực chuyên môn của các đối tác và tình nguyện viên, chúng tôi đang xây dựng một nền tảng giáo dục hòa nhập, nơi trẻ em mắc chứng Rối loạn Phổ Tự kỷ nhận được sự hỗ trợ cần thiết để phát triển. Chúng tôi vinh dự được đóng góp vào mục tiêu ý nghĩa này cùng với Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Rainbow Centre Singapore.”

Quỹ Quốc tế Singapore, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Rainbow Centre Singapore

vừa tổ chức lễ tổng kết dự án “Dạy và Học dành cho Trẻ em mắc Rối loạn Phổ Tự kỷ” tại TP. Hồ Chí Minh

Tiến sĩ Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi vô cùng hân hạnh được hợp tác với Quỹ Quốc tế Singapore, Trung tâm Rainbow Centre Singapore và tất cả các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục tận tâm. Thông qua dự án này, các giáo viên của chúng tôi đã có cơ hội tiếp cận những kỹ năng và kiến thức quý giá, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo ra môi trường học tập hiệu quả hơn cho trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Dự án này là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác bền vững và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore. Chúng tôi mong muốn tiếp tục đồng hành cùng mối quan hệ đối tác này nhằm thúc đẩy giáo dục đặc biệt và mang lại tương lai tươi sáng hơn cho các em nhỏ.”
Theo bà Tan Sze Wee, Giám đốc Điều hành, Trung tâm Rainbow Centre Singapore: “Sứ mệnh của Trung tâm Rainbow Centre là xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật, và chúng tôi tự hào được tham gia vào nỗ lực lâu dài để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm từ đội ngũ của chúng tôi, góp phần thúc đẩy các phương pháp thực hành để thúc đẩy hòa nhập tại Việt Nam. Dù khác biệt về quốc gia và văn hóa, chúng tôi có chung một sứ mệnh là nâng cao năng lực cho trẻ em mắc tự kỷ và gia đình của các em.”
Bà Fauziah Binte Ahmad, Trưởng nhóm Tình nguyện viên Quốc tế Singapore, Cố vấn Cấp cao cho các Dự án Đặc biệt, Trung tâm Rainbow Centre Singapore, chia sẻ rằng bà vô cùng cảm động khi chứng kiến sự tiến bộ của từng giáo viên khi họ tiếp cận những góc nhìn mới và nâng cao kỹ năng để hỗ trợ trẻ mắc chứng ASD.
Bà cũng cho biết: “Sự hợp tác giữa các Tình nguyện viên Quốc tế Singapore và các đối tác Việt Nam là một trải nghiệm đầy ý nghĩa. Sự cống hiến và tinh thần học hỏi lẫn nhau không chỉ mở rộng góc nhìn chuyên môn của chúng tôi mà còn nêu cao sức mạnh của hợp tác xuyên biên giới trong việc thúc đẩy những thay đổi ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục.”
Khánh Linh