Tăng cường kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình
Hội nghị nhằm mục tiêu tăng cường năng lực, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình, nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai các văn bản pháp luật của Việt Nam về trợ giúp pháp lý cho những đối tượng này...
Trong 3 ngày 03-05/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình”.
Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn
Hội nghị nhằm mục tiêu tăng cường năng lực, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý, người làm công tác liên quan đến trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình, nhằm đổi mới cách thức trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình, tăng cường hơn nữa hiệu quả triển khai các văn bản pháp luật của Việt Nam về trợ giúp pháp lý cho những đối tượng này; đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của Người khuyết tật, Công ước chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Công ước của LHQ về quyền trẻ em...
Phát biểu khai mạc, ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý khẳng định chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Thể chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình về cơ bản được hoàn thiện.
Các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện được gần 9.000 vụ việc cho các đối tượng là người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình theo các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng trong thời gian 02 năm gần đây. Số lượng người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính được tiếp cận với trợ giúp pháp lý ngày càng tăng.
Ông Cù Thu Anh nhấn mạnh, với tôn chỉ hoạt động của trợ giúp pháp lý là “lấy người được trợ giúp pháp lý là trung tâm” thì cần có cách thức trợ giúp pháp lý phù hợp nhất, có kỹ năng đặc biệt cho đối tượng này.
Bà Audrey-Anne Rochelemagne, đại diện Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định chủ đề của khóa đào tạo này đặc biệt phù hợp, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho nhóm dễ bị tổn thương và rất phù hợp với bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện đang diễn ra, tạo nên sự khó khăn cho đối tượng dễ bị tổn thương. Thông qua buổi tập huấn này sẽ giúp đội ngũ trợ giúp pháp lý hiểu hơn về những khó khăn của người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình để họ có thể làm việc hiệu quả hơn, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người dễ bị tổn thương, giúp họ thay đổi cuộc sống, giải quyết những vấn đề quan trọng trong cuộc sống của họ.
Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho hay: Với hơn 6 triệu người khuyết tật và tỉ lệ bạo lực gia đình cao ở Việt Nam và tăng dần trong thời kì dịch bệnh COVID 19, việc đảm bảo trợ giúp pháp lý chất lượng cao cho hai nhóm người này lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. “UNDP sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực nhằm tăng cường tiếp cận công lý và nền pháp quyền, từ đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Patrick Haverman nói.
Hội nghị cũng đã được nghe các quy định trong và ngoài nước, các điều ước quốc tế, các chính sách, các quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, các kỹ năng tiếp xúc, trao đổi, kỹ năng tư vấn, tham gia tố tụng cho các đối tượng này.
Theo đó, các học viên tập trung trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động thực tiễn trợ giúp pháp lý. Trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp nhằm đổi mới về phương pháp tổ chức, cách thức tiếp cận phù hợp, đặc thù với nhóm đối tượng, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực gia đình./.
Phương Anh