Tăng mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm
(LĐXH) Theo quy định của Nghị định 117, từ ngày 15/11, mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm sẽ tăng lên từ 200.000-500.000 đồng thay vì mức 100.000-300.000 đồng như hiện nay.
Chiều 9/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 117 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tham dự Hội nghị có đại diện một số Bộ, ngành; Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh khu vực phía Bắc; đại diện một số hiệp hội và các tổ chức, chuyên gia có liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, trong công tác quản lý nhà nước của ngành y tế, bên cạnh công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện pháp luật về y tế, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật là hết sức quan trọng để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước của ngành y tế.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã được thực thi nghiêm túc, là công cụ pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành y tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bên cạnh những kết quả đã đạt được, Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như: vẫn còn một số quy định chưa bảo đảm tính khả thi, khó xác định hành vi vi phạm, mức phạt thấp, không bảo đảm tính răn đe, thẩm quyền xử phạt chưa được phân định cụ thể...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thay thế Nghị định số 176. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bên cạnh triển khai thi hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá còn có nhiều hành vi vi phạm, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn, vì vậy Bộ Y tế đã dành thời gian để phổ biến cụ thể, kỹ hơn một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Nghị định mới số 117/2020/NĐ-CP có một số điểm mới như rà soát lại các hành vi vi phạm để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế đã được ban hành mới trong thời gian qua. Trong đó có tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe (đặc biệt là các quy định liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế…)
Nghị định 117 cũng bổ sung một số hành vi vi phạm mới trong các lĩnh vực như: hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia, dược, trang thiết bị y tế…; bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh như lực lượng Công an, cơ quan bảo hiểm xã hội.
Nghị định phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để tránh tình trạng các cơ quan không có chuyên môn về y tế có thể thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với các cơ sở y tế có hoạt động chuyên môn.
Nghị định đã liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể. Nghị định quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia...
Tại Hội nghị, Bộ Y tế thông tin đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 117 và đã chuyển đến các Sở Y tế; đồng thời Bộ sẽ tổ chức các hội thảo, tập huấn để giới thiệu các nội dung chính của Nghị định 117 đến đông đảo các đơn vị, tổ chức liên quan...
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá hiện nay đang có trong rất nhiều quy định của nhiều văn bản khác nhau, nhiều Luật khác nhau.
Đối với Nghị định 117, nội dung các xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá quy định từ Điều 25 đến Điều 29
Tại Điều 25 quy định về xử phạt vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá, nếu như trước đây chỉ xử phạt từ 100-200 nghìn đồng thì hiện nay tăng lên từ 200-500 nghìn đồng
Cũng tại điều này quy định, tại địa điểm cấm hút thuốc nếu như không có biển “cấm hút thuốc lá”, cơ quan chức năng nếu phát hiện sẽ xử phạt từ 3 triệu- 5 triệu đồng.
Đáng chú ý, tại Điều 26 Nghị định này quy định về mức phạt tiền đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi như sau:
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không bị xử phạt theo lĩnh vực y tế...
Một trong những điểm đáng chú ý tiếp theo của Nghị định 117/2020 là đưa mức phạt đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Cụ thể, Nghị định 117 đã bổ sung thêm quy định về việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.
Theo đó, tại Điều 29 quy định: phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi sau: Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá
Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, lâu nay đã có những ý kiến cho rằng chúng ta chưa chú trọng đến công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm quy định về phòng chống tác hại thuốc lá, nhưng với những quy định của Nghị định 117 về tăng thẩm quyền, tăng hình thức xử phạt nguội đối với các hành vi vi phạm về thuốc lá, hy vọng cơ quan chức năng liên quan tăng cường xử phạt, tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Kiểm tra, bắt giữ các tàu chở 140 ngàn lít dầu DO không rõ nguồn gốc
25-11-2024 11:16 48
-
Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
18-10-2024 13:56 57
-
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
12-10-2024 21:23 59
- Triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã
- 5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại
- Tổng cục Hải quan và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra
-
Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
30-04-2024 15:02 18
-
TPHCM: 13 đơn vị bốc thăm chọn người xác minh tài sản thu nhập năm 2024
29-02-2024 15:55 04
-
Giám đốc doanh nghiệp lừa đảo hơn 18 tỉ đồng
06-12-2023 08:58 45