Xã hội
Tánh Linh (Bình Thuận): Nhiều giải pháp phát triển kinh tế giúp giảm nghèo bền vững
09:32 AM 26/10/2023
Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất; khai thác có hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia… nên đến nay diện mạo và tiềm lực kinh tế của huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG, đời sống của người dân trong huyện được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm
Tánh Linh là một huyện miền núi, có 13 đơn vị hành chính (12 xã và 1 thị trấn). Dân số toàn huyện có 28.697 hộ/98.878 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) là 3.710 hộ/14.109 khẩu, chiếm trên 14% tổng dân số toàn huyện. Tính đến hết năm 2022, số hộ nghèo của huyện là 1.446 hộ/5.323 khẩu, chiếm tỷ lệ 5,04% , trong đó, số hộ nghèo DTTS là 730 hộ/2.987 khẩu, chiếm tỷ lệ 19,68% so với tổng số hộ đồng bào DTTS và chiếm tỷ lệ 50,48% so
Để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, hướng tới giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Tánh Linh xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất; khai thác có hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.
Đồng thời, huyện đã huy động từ nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển các công trình trọng điểm cho vùng đồng bào DTTS như: đầu tư nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông; xây dựng hệ thống trường lớp, trạm y tế, nhà văn hóa, điện sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, hệ thống nước sạch, hỗ trợ xây dựng nhà ở, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; chính sách trợ cước, trợ giá các mặt hàng thiết yếu, vay vốn phát triển sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng…
Đơn cử, trong năm 2022, huyện Tánh Linh được tỉnh Bình Thuận phân bổ hơn 16,6 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, ưu tiên các vùng đồng bào DTTS và miền núi khó khăn. Từ nguồn vốn này, UBND huyện Tánh Linh đã ban hành quyết định phân bổ vốn và phê duyệt danh sách cho 74 hộ xây dựng nhà ở và 44 hộ chuyển đổi nghề nghiệp của 7/7 xã thị trấn vùng đồng bào DTTS với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. UBND huyện đã phân bổ cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của huyện làm chủ đầu tư triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn với dự toán ngân sách hơn 4,6 tỷ đồng. Huyện Tánh Linh cũng đã giải ngân số tiền hơn 2,3 tỷ đồng để các xã: La Ngâu, Đức Bình, Măng Tố và thị trấn Lạc Tánh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống...
Bên cạnh đó, thông qua chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Tánh Linh đã đa dạng hóa sinh kế bằng các mô hình cụ thể như: hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản, gà thả vườn, cây ăn trái… cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nông cụ sản xuất, mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân vùng đồng bào DTTS…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, nhờ các chính sách hỗ trợ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nên đời sống người dân ở huyện Tánh Linh đã có nhiều bước cải thiện, nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, tỷ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào DTTS đã giảm rõ rệt; diện mạo tại các xã vùng nông thôn có nhiều thay đổi; ý thức của người dân, đặc biệt người dân đồng bào DTTS về giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng cao.
Thời gian tới, nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Tánh Linh sẽ tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và phát triển các ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ cơ, tạo ra sản phẩm sạch, gắn liền với các thương hiệu nông sản huyện Tánh Linh.
Đồng thời, tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp 4.0; đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất./.
Thu Hương
Từ khóa: