Xã hội
Tây Ninh: Thực hiện kịp thời chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội
12:09 PM 27/02/2024
(LĐXH) - Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội từng bước cải thiện cả về vật chất và tinh thần, nhiều đối tượng đã tự tin tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
Lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH thăm, tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng người có công tỉnh Tây Ninh
Trong năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai nhiệm vụ trên lĩnh vực bảo trợ xã hội; Tổ chức Đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố và 18 UBND cấp xã.
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, trong năm, toàn tỉnh Tây Ninh có 36.265 đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, với tổng kinh phí trên 233.841 triệu đồng, trong đó có 223 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; 11 người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi thuộc hộ gia đình cận nghèo; 01 người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; 14.399 người cao tuổi; 21.631 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng (trong đó có 7.943 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là người cao tuổi).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng chính sách trợ giúp xã hội đột xuất vì đây là một trong những biện pháp quan trọng để giảm thiểu khó khăn, thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi các hoàn cảnh bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn… Tỉnh đã đảm bảo 100% người dân bị thiệt hại do các nguyên nhân trên được trợ giúp đột xuất kịp thời, không để ai phải chịu cảnh đói khổ. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp đột xuất cho 24 trường hợp với tổng kinh phí 557 triệu đồng, trong đó kinh phí chủ yếu là hỗ trợ người bị thương nặng, mai táng phí và hỗ trợ sửa chữa nhà ở.
Ngoài ra, các hoạt động đối với người cao tuổi được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 166.170 người cao tuổi, chiếm 12,5% dân số. Số người từ 80 tuổi trở lên 18.274 người, số người cao tuổi là dân tộc thiểu số 1.767 người. Tổng số người cao tuổi đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng là 22.342 người, trong đó có 7.943 người cao tuổi khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Ngoài chế độ trợ cấp hàng tháng, người cao tuổi đang hưởng trợ cấp thường xuyên đều được cấp thẻ BHYTmiễn phí và trợ cấp chế độ mai táng 7,2 triệu đồng/trường hợp khi chết theo quy định của Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Người cao tuổi cô đơn sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng bình quân là 1.440.000 đồng/người/tháng.
 Đối vói các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện phụ trương về “Người khuyết tật trên Báo Tây Ninh, với tổng cộng 04 kỳ, mỗi kỳ có 14.300 tờ, phát sóng 03 phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh, mỗi phóng sự kéo dài khoảng 10 phút, góp phần vào việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về việc hỗ trợ người khuyết tật, để các cấp, các ngành và người dân hiểu rõ hơn, thực hiện hiệu quả các chính sách, chế độ dành cho người khuyết tật, từng bước cải thiện điều kiện sống và phát huy vai trò của người khuyết tật trong xã hội.
Đồng thời triển khai Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” với kinh phí 31.193,2 triệu đồng. Các hoạt động của dự án bao gồm việc mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật. Duy trì Dự án hỗ trợ kinh phí chăm sóc và nuôi dạy cho 65 trẻ khiếm thị tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh, với tổng kinh phí 1.665 triệu đồng. Thống kê hiện nay, toàn tỉnh có 21.631 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, với kinh phí 172.654 triệu đồng; Hỗ trợ 4.345 hộ gia đình trực tiếp chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, với tổng kinh phí là 18.563 triệu đồng. Ngoài ra, 10 người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi cũng đã được hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 45 triệu đồng. Tổng số người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 204 người.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên đia bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn nhất định như: Đội ngũ công chức làm công tác Lao động - Thương và Xã hội cấp xã thường xuyên thay đổi, luân chuyển, đồng thời do công việc quá tải nên dẫn đến việc tổ chức triển khai các chính sách trợ giúp xã hội quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng người có công có chức năng nuôi dưỡng người tâm thần nhưng hiện nay cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên chưa đảm bảo, gây khó khăn trong việc tiếp nhận người tâm thần vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, nghiệp vụ về chính sách trợ giúp xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý đối tượng, lập hồ sơ thực hiện chi trả trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, trợ giúp xã hội đột xuất, chế độ nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội và cấp thẻ BHYT đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh theo đúng chính sách quy định, đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội ở các địa phương./.
Hồng Phượng
Từ khóa: