Xã hội
Thái Nguyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm
09:58 AM 28/06/2024
(LĐXH)-Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 699 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó có 508 cơ sở lưu trú; 188 nhà hàng karaoke và cơ sở massage; 03 vũ trường. Số người bán dâm trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý 6 tháng đầu năm 2024 là 07 người (trong tỉnh: 03 người, ngoài tỉnh: 04 người); ước tính có khoảng 70 người bán dâm đang hoạt động trên địa bàn.
Tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn phức tạp tại một số địa bàn. Các địa phương vùng sâu vùng xa tình hình hoạt động mại dâm không nhiều, không hình thành các điểm, tụ điểm hay đường dây bảo kê, nhưng một số đối tượng lợi dụng kinh doanh các dịch vụ để hoạt động mại dâm.
Một vài địa phương có cụm, khu công nghiệp như Sông Công, Phổ Yên, Phú Bình là nơi thu hút nhiều lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm với nhiều hình thức, mức độ phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để môi giới, điều hành việc mua, bán dâm; thuê nhà trọ ở cùng sinh viên hoặc công nhân lao động để tạo vỏ bọc, di chuyển bằng taxi, xe ôm… để che mắt quần chúng nhân dân và tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, triệt phá.
Công đoàn Các khu công nghiệp Thái Nguyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN tổ chức lớp tập huấn, giáo dục truyền thông về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm và phòng chống "tín dụng đen" cho công nhân
Chính vì vậy, 6 tháng đầu năm 2024, các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm và phòng, chống tệ nạn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Toàn tỉnh đã tổ chức 376 cuộc truyền thông, tuyên truyền phòng, chống mại dâm lồng ghép với công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có 82 xã phường thị trấn tổ chức được ít nhất 01 hình thức truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm và duy trì thường xuyên, thu hút trên 30.167 lượt người tham dự; Số pano, áp phích, tờ rơi cấp phát 1.668 tờ rơi, tờ gấp, viết 335 tin bài về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội. Riêng Sở Tư pháp đã tiến hành biên tập, in và phát hành 2.000 cuốn "Bản tin Tư pháp" cấp phát miễn phí đến các Sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh làm tài liệu phổ biến pháp luật và bổ sung nguồn tài liệu cho tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn (định kỳ phát hành 1 số/quý/1.000 cuốn).
Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung tâm Thông tin tỉnh, Trung tâm văn hóa - Thể thao và Truyền thông cấp huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm với những nội dung, hình thức phù hợp, thiết thực, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng, chống mại dâm.
Báo Thái Nguyên thường xuyên đăng tải các văn bản chỉ đạo, cũng như kết quả thực hiện nhiệ vụ trong công tác phòng, chống mại dâm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Báo Thái Nguyên đã sản xuất gần 20 tin, bài, ảnh tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS, mại dâm. Các nội dung được Báo Thái Nguyên phản ánh như: Quyết liệt phòng, chống tệ nạn mại dâm; Nhiều kỹ năng trong phòng chống HIV/AIDS được triển khai; Định hướng hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, Ban biên tập đã kịp thời lựa chọn đăng tải những thông tin chính thống, có tính định hướng cao được bạn đọc quan tâm tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm trên các nền tảng mạnh xã hội.
Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các chuyên mục An ninh Thái Nguyên, Phụ nữ Thái Nguyên… cập nhật các tin tức về phòng, chống mại dâm trong các bản tin thời sự, bám sát các thông tin, văn bản quy định của pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm. 6 tháng đầu năm Đài đã sản xuất gần 300 tin, bài, phóng sự về công tác phòng, chống mại dâm. Bên cạnh đó tích cực đưa tin về Hội nghị các ngành ra quân, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mại dâm.
Các cấp Hội LHPN phối hợp với chính quyền và các đoàn thể của địa phương vận động hội viên phụ nữ và nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng, chống mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức được 145 cuộc tuyên truyền lồng ghép cho trên 11.500 người tham gia về các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Thái Nguyên tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm để đạt được mục tiêu đề ra trong kế hoạch năm là có 70% xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm; thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên cơ quan báo chí cấp trung ương và cấp tỉnh ít nhất một tháng một lần; Ít nhất 20% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, người lao động trong các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm./.

Minh Hằng