Lao động
Thái Nguyên nỗ lực phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả
09:44 PM 25/02/2025
(LĐXH)-Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp với thành phố Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và được xác định là một trong những trung tâm vùng của các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ. Tỉnh Thái Nguyên có dân số 1.365.000 người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh có việc làm là 606.480 người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,6% - đạt mục tiêu Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%.
Thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động
Để hỗ trợ phát triển thị trường lao động, trong năm 2024, căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; các Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 và về việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động hằng năm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh tập trung triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng và tiến độ: Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động hằng năm - thu thập thông tin về thực trạng lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã trên địa bàn; khảo sát, tổng hợp nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, góp phần từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động.
Một Phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại thị trấn Sông Cầu
Trung bình hằng năm, Trung tâm tiến hành thu thập, cập nhật cầu lao động tại 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả thu thập thông tin cầu lao động hằng năm đều được Trung tâm DVVL nhập tin và chuyển thông tin cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động về phần mềm nhập liệu của Cục Việc làm. Tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động được chuyển giao từ Cục Việc làm theo phân cấp và thực hiện đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của Cục Việc làm ngay sau khi việc cập nhật cung - cầu hằng năm của tỉnh hoàn thành.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã cập nhật, theo dõi thông tin và nhập liệu trên phần mềm Quản lý nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên nhằm quản lý, lưu trữ, phân tích thị trường lao động.
Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL thường xuyên tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động thông qua các hoạt động chuyên môn thường xuyên của đơn vị. Thực hiện cung cấp thông tin thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng như: thực hiện truyền thông trực quan (căng treo pano, băng zôn, áp phích... tại các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố trên toàn tỉnh); thông tin trên sóng phát thanh – truyền hình cấp tỉnh, huyện, thành phố và các Trung tâm thông tin, các cơ sở GDNN, nhà văn hóa các xã, phường, thị trấn; thông tin trên hệ thống loa phát thanh cấp huyện, cấp xã và tại các hoạt động chuyên môn thường xuyên, như: Ngày hội việc làm, Hội nghị, Phiên giao dịch việc làm lưu động, định kỳ và thường xuyên tại Trung tâm DVVL, địa phương thuộc tỉnh...
Theo đánh giá, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo, hình thành phòng chuyên dùng phục vụ hoạt động kết nối cung – cầu lao động trực tiếp và thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; phòng chuyên dùng phục vụ nhu cầu giao dịch của doanh nghiệp và người lao động trong cung cấp thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết thủ tục giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp...
 Bên cạnh đó, công tác tổng hợp dữ liệu việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thông tin tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tiếp/trực tuyến cung cấp cho bộ phận tư vấn việc làm, học nghề thuộc Trung tâm DVVL được thực hiện hằng tháng; phổ biến kịp thời thông tin về thị trường lao động đến các doanh nghiệp và người lao động.
Tích cực tổ chức sàn giao dịch việc làm
Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm DVVL thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm thường xuyên theo nhu cầu của người lao động tại trụ sở Trung tâm DVVL, tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, các hoạt động giao dịch việc làm từ cấp tỉnh đến địa phương, hội nghị,...; tư vấn, giới thiệu việc làm gián tiếp thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin (website, điện thoại, zalo,...).
Nhằm kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ người lao động dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, Trung tâm DVVL đã tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung – cầu lao động bằng nhiều hình thức như: tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm; tổ chức hoạt động Tuần cao điểm kết nối cung – cầu lao động tỉnh Thái Nguyên và các hoạt động Ngày hội việc làm, Ngày hội tư vấn, tuyển sinh, giới thiệu việc làm. Tích cực phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể các cấp huyện, cấp xã (Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, chi hội phụ nữ các xã, Hội Nông dân...) tổ chức các Ngày hội, phiên giao dịch lưu động tại địa phương với quy mô cấp huyện, cấp xã, chuyên đề; tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các địa phương, tỉnh/thành phố.
Thông qua hoạt động sàn giao dịch đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đến địa phương, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động biết, tham gia, góp phần kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Tại các phiên giao dịch, các doanh nghiệp, các cơ sở GDNN đã giới thiệu các thông tin vị trí việc làm, phỏng vấn tuyển dụng, tiếp nhận hồ sơ ứng viên; tư vấn tuyển sinh, đăng ký học nghề, giúp người lao động tiếp cận việc làm trống, tìm kiếm công việc phù hợp.
Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động bằng nhiều hình thức; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Trung tâm đã tổ chức cung cấp thông tin tại 01 Ngày hội việc làm cấp tỉnh, 12 ngày hội việc làm cấp huyện, 42 Phiên giao dịch việc làm cấp xã. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyền truyền, cung cấp qua email, qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website của Trung tâm… Đăng tin bài và các nội dung ấn phẩm, thông tin thị trường lao động lên các Fanpage, website của Trung tâm và nhiều kênh truyền thông, ... nhằm phổ biến sâu rộng thông tin thị trường lao động của tỉnh, đảm bảo tính công khai, dữ liệu cung cầu lao động sống động, rộng khắp đến tận xã, phường, thị trấn của các địa phương trong tỉnh, hỗ trợ người lao động tiếp cận được thông tin thị trường lao động, các chính sách lao động việc làm, nắm bắt cơ hội việc làm kịp thời, ổn định.
 Số lao động được tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn định hướng nghề nghiệp và việc làm là 32.955 lượt người; Số lao động được giới thiệu việc làm là 4.987 người, số lao động được kết nối việc làm thành công là 1.572 người.
Các hoạt động tư vấn việc làm được triển khai phù hợp tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp và từng lĩnh vực ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc tư vấn việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, Trung tâm DVVL chú trọng tư vấn cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Để tiếp tục phát triển thị trường lao động trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đầu tư phát triển hiện đại Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm giữ vững vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hình thức giao dịch việc làm; duy trì thường xuyên, định kỳ, nâng cao tần suất, chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, chuyên đề để kết nối cung - cầu và tư vấn việc làm cho người lao động; xây dựng website kết nối cung cầu lao động trực tuyến; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về cầu và cung lao động nhằm làm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm của người lao động.
Thực hiện tốt công tác điều tra Cung - Cầu lao động; thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động theo quy định; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực; củng cố, nâng cao năng lực công tác dự báo và thông tin thị trường lao động./.
Minh Hằng
Từ khóa: