Xã hội
Thái Nguyên: Tăng cường công tác giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
03:30 PM 22/11/2023
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm công tác giám sát, đánh giá Chương trình, qua đó kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có các giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

Kiểm tra công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và tình hình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại thành phố Thái Nguyên

Triển khai thực hiện Tiểu Dự án 2: Giám sát, đánh giá thuộc Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, năm 2022, tỉnh Thái Nguyên được phân bổ kinh phí thực hiện là 1.655 triệu đồng (ngân sách trung ương là 1.439 triệu đồng; ngân sách địa phương đối ứng là 216 triệu đồng). Kết quả giải ngân đến tháng 12/2022 là 901,370 triệu đồng, đạt 54,49% kế hoạch, trong đó ngân sách trung ương là 744,990 triệu đồng; ngân sách địa phương là 156,380 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí phân bổ, 100% các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện công tác giám sát tại địa phương, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện rà soát phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã, phường, thị trấn; hỗ trợ các điều tra viên trong thực hiện đánh giá phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ khai thác vận hành dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng.

Năm 2023, được phân bổ kinh phí thực hiện là 2.996 triệu đồng (ngân sách trung ương là 2.694 triệu đồng; ngân sách địa phương đối ứng là 302 triệu đồng), trong đó chuyển nguồn năm 2022: ngân sách địa phương là 694 triệu đồng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện giám sát trực tiếp 02 đơn vị là thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công, đối với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố còn lại giám sát gián tiếp thông qua các báo cáo. Thành lập 4 đoàn giám sát đối với số hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo trong năm 2022 trên địa bàn 100% xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thành phố. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch và thực hiện giám sát trong 6 tháng cuối năm. UBND huyện Võ Nhai, huyện Phú Lương thực hiện kiểm tra giám sát việc điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Tính đến tháng 9/2023, đã giải ngân được 501 triệu đồng, đạt 13,74% kế hoạch.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch về giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, với yêu cầu thu thập và tổng hợp thông tin báo cáo giám sát thực hiện Chương trình phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời; đảm bảo nội dung và thời gian theo quy định.

Nội dung giám sát đối với các sở, ngành chủ dự án, tiểu dự án thành phần, gồm: Theo dõi, kiểm tra các nội dung về xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện dự án thành phần theo phân cấp. Theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, hoạt động dự án thành phần. Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư, quản lý ngân sách nhà nước, năng lực quản lý dự án thành phần, việc xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có)…

Đối với các huyện, thành phố, nội dung theo dõi gồm: Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của UBND các huyện, thành phố thực hiện dự án thành phần thuộc Chương trình theo quy định. Tổng hợp tình hình thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Chương trình theo quy định. Tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình: Tiến độ thực hiện các mục tiêu của Chương trình; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, giải ngân; khó khăn, vướng mắc, phát sinh ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình và kết quả    xử lý. Việc chấp hành các biện pháp xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt  quá thẩm quyền. Nội dung kiểm tra gồm: Việc quản lý thực hiện dự án thành phần thuộc Chương trình của chủ dự án thành phần. Việc chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan (nếu có).

Phương pháp kiểm tra, giám sát là: Xem xét báo cáo của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thuộc đối tượng giám sát; Tổ chức giám sát, kiểm tra trực tiếp tại 09/09 huyện, thành phố, một số xã, phường, thị trấn và một số hộ gia đình. Thời gian thực hiện từ tháng 10/2023 đến tháng 11/2023.

Nhìn chung, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc. 100% các chính sách giảm nghèo đều đến tay đối tượng và phát huy hiệu quả; những trường hợp phát hiện sai sót trong rà soát hộ nghèo đều có biện pháp chấn chỉnh và chỉ đạo phù hợp; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo tại địa phương.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, trong đó tập trung phát huy, vai trò của các cơ quan Thường trực trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện và giám sát đánh giá Chương trình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình đặc biệt ở cấp cơ sở. Có phương án bố trí cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo hợp lý để chủ động trong công tác tham mưu, triển khai và giám sát, đánh giá Chương trình. Thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình theo Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 20/10/2022 của UBND tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên việc giám sát, đánh giá công tác quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; giám sát việc thành lập và hoạt động của các Ban Chỉ đạo các cấp; giám sát việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; việc tổ chức triển khai, thực hiện các dự án thành phần của Chương trình; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn./.

Hồng Phượng