Xã hội
Thái Nguyên: Thực hiện đồng bộ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội
02:03 PM 24/08/2020
(LĐXH) - Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, thời gian qua, công tác triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả, giúp đối tượng yếu thế trong xã hội từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Chăm sóc trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh
Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 31.413 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, với kinh phí 180.565 triệu đồng, trong đó: Nhóm trẻ em dưới 16 tuổi, trẻ em từ 16-22 tuổi là 376 người; nhóm người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo là 120 người; người đơn thân nghèo đang nuôi con là 2.652 người; người cao tuổi là 15.456 người; nhóm người khuyết tật là 15.269 người và nhóm người được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là 4.204 người. Trong năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ chi phí mai táng cho 1.150 người, với kinh phí là 6.226 triệu đồng; Mua bảo hiểm y tế cho 19.241 đối tượng, kinh phí 15.382 triệu đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 03 cơ sở trợ giúp xã hội đang quản lý, nuôi dưỡng tổng số 360 lượt đối tượng. Trong đó, Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật là 212 đối tượng; Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội là 85 đối tượng; Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt 56 đối tượng.
Tỉnh triển khai thực hiện nhiều hoạt động chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi
Để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức như: Đài Phát thanh, truyền hình; báo in, báo điện tử; tời rơi; tập huấn phổ biến kiến thức, trợ giúp pháp lý... Công tác tuyên truyền được thực hiện lồng ghép với các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn. Năm 2019, Sở Lao động – TBXH phối hợp với các Sở, ngành và các huyện, thành phố, thị xã tập huấn nâng cao năng lực 13 lớp, 1.572 cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội về chính sách trợ giúp xã hội, chính sách người cao tuổi, chính sách đối với người khuyết tật...
Ngoài ra, các hội, đoàn thể đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội, như: Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên chủ động tuyên truyền, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp tặng quà. Tổng số quà tặng, học bổng đã trao tặng cho trẻ mồ côi, người khuyết tật, hộ nghèo: 132 xe đạp, 608 xe lăn, hơn 370 suất quà bằng tiền mặt cho hộ nghèo có người khuyết tật, trẻ em khó khăn và ngoài ra còn hỗ trợ bằng hiện vật như mỳ tôm, bánh trưng, bánh kẹo… với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên quan tâm đến công tác phát triển tổ chức, lao động sản xuất và đời sống, công tác tuyên truyền văn hóa, giáo dục. Trong năm, Hội đã xây dựng và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai dự án chăn nuôi bò, lợn sinh sản cho 4 người mù vay vốn với tổng số tiền 50 triệu đồng; phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ và sửa chữa 6 nhà đại đoàn kết với 104 triệu đồng; tiêu thụ  28.000 gói tre trị giá 39,7 triệu đồng; đã trợ cấp khó khăn, thăm hỏi động viên cho 2.259 hội viên với số tiền là 469 triệu; mở 1 lớp bấm huyệt cho 6 người mù với kinh phí 82,56 triệu.
Toàn tỉnh có trên 20.000 người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng
Thực hiện chính sách trợ đột xuất, toàn tỉnh có 3.311 hộ, với 7.656 nhân khẩu được trợ giúp cứu đói giáp hạt; 08 người bị thương; 11 hộ được hỗ trợ làm nhà ở và 14 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Tổng kinh phí thực hiện 2.365 triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, tỉnh đã tổ chức thăm tặng, giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội và tại cộng đồng) là 23.358 suất quà. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện trợ giúp xã hội hàng tháng tại 03 cơ sở trợ giúp xã hội (trong đó 02 cơ sở công lập và 01 cơ sở ngoài công lập), với tổng số 353 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng.
Thực hiện chính sách đối với người cao tuổi, toàn tỉnh hiện có 145.716 người cao tuổi, trong đó số người cao tuổi thuộc hộ nghèo là 4.221 người, chiếm 2,89% tổng số người cao tuổi; số người cao tuổi khuyết tật là 4.366 người, chiếm 2,99%; số người cao tuổi đang được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng là 20.675 người (trong đó có 5.219 người cao tuổi khuyết tật), chiếm 14,21% tổng số người cao tuổi; số người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế là 133.856 người, chiếm 91,86%. Năm 2019 có 15.600 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ theo quy định. Trong đó: người 90 tuổi là 1.004 người, người 100 tuổi là 71 người, người trên 100 tuổi là 156 người và 14.277 người ở lứa tuổi 70, 75, 80, 85, 95. Tổng kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp đối với người cao tuổi, chúc thọ, mừng thọ và chi cho các chế độ khác đối với người cao tuổi là khoảng 94.527 triệu đồng.
Người khuyết tật được quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng

 Đối với chính sách trợ giúp người khuyết tật, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 25.000 người khuyết tật, trong đó có 20.208 người đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật (khuyết tật đặc biệt nặng là 4.040 người, khuyết tật nặng là 11.229 người và khuyết tật nhẹ là 4.939 người). Tính đến 12/2019, toàn tỉnh có 15.269 người khuyết tật hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, chiếm 40,09% trong tổng số người hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng.
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH tỉnh, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật trợ giúp xã hội tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện đa dạng về hình thức, nội dung tuyên truyền. Chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội, cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện. Việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng qua cơ quan bưu điện cấp huyện, xã bước đầu đã đạt được so với yêu cầu đề ra. Người có hoàn cảnh khó khăn, đột xuất được quan tâm hỗ trợ kịp thời và vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Công tác kiểm tra giám sát theo chuyên đề và công tác tự kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật tiếp tục được duy trì.
Trong năm 2020, tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện công bằng, công khai, kịp thời các quy định, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội có đủ điều kiện và hồ sơ đều được hưởng trợ cấp theo quy định; 100% người khuyết tật có nhu cầu được xác định dạng tật, mức độ khuyết tật theo quy định; Kịp thời hỗ trợ 100% cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn nghiêm trọng hoặc lý do bất khả kháng được xem xét hỗ trợ theo quy định; 100% các huyện, thành phố, thị xã kịp thời thành lập, kiện toàn Ban công tác người cao tuổi, Ban công tác về người khuyết tật khi có thay đổi về thành viên.
Tặng quà cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn
Trên cơ sở đó, tỉnh triển khai các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong chỉ đạo, huy động nguồn lực và thực hiện trợ giúp xã hội; Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về trợ giúp xã hội, vận động xã hội nhằm thay đổi cách thức trợ giúp xã hội theo hướng tiên tiến, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội; tuyên truyền, phổ biến về các giải pháp, mô hình trợ giúp xã hội hiệu quả, gương điển hình vượt khó và nhân rộng trong cộng đồng; Thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội với phương châm công khai, minh bạch, đúng, đủ, kịp thời. Nghiên cứu, đề xuất một số chính sách đặc thù của tỉnh để trợ cấp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết chính sách trợ giúp xã hội dựa vào nhu cầu của người dân bảo đảm công khai, minh bạch. Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giải quyết, chi trả trợ giúp xã hội, tích hợp dần các chính sách trợ giúp xã hội với các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý và hạn chế sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, nhân viên, cộng tác viên và gia đình về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, trợ giúp xã hội cho đối tượng; nâng cao năng lực cán bộ quản lý về trợ giúp xã hội và công tác xã hội. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, đặc biệt chính sách trợ cấp xã hội, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các chính sách có liên quan.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có, hỗ trợ, nâng cấp các cơ sở trợ giúp xã hội công lập đảm bảo đủ điều kiện trợ giúp toàn diện cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hình thức quản lý cơ sở trợ giúp xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa đảm bảo phù hợp với khả năng huy động nguồn lực trợ giúp xã hội để phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành, đơn vị để phân bổ ngân sách trợ giúp xã hội đảm bảo thực hiện các chính sách hiện hành trợ giúp xã hội theo quy định hiện hành của nhà nước. Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương hỗ trợ chi phí cho đối tượng sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và một số cơ sở ngoài công lập có đủ điều kiện cung cấp theo khung giá và danh mục dịch vụ sự nghiệp công được pháp luật quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khẩn cấp. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để triển khai các hoạt động trợ giúp xã hội trên địa bàn toàn tỉnh./.
Đỗ Thị Phượng
 
 
Từ khóa: