Thái Nguyên thực hiện kịp thời chính sách trợ giúp xã hội
(LĐXH)- Mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách trợ giúp xã hội.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, toàn tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng cho 39.465 người, tổng kinh phí 172,151 tỷ đồng. Trong đó, nhóm trẻ em dưới 16 tuổi, trẻ em từ 16 - 22 tuổi là 423 người; nhóm người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo là 56 người; nhóm người đơn thân nghèo đang nuôi con là 1.342 người; nhóm người cao tuổi là 15.071 người; nhóm người khuyết tật là 17.265 người và nhóm người được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là 4.996 người. Việc chi trả được thực hiện thông qua bưu điện đã góp phần minh bạch, kịp thời.
Trong năm 2021, tỉnh cũng đã hỗ trợ chi phí mai táng cho 1.291 người, với kinh phí 7,521 tỷ đồng; mua bảo hiểm y tế cho 17.176 đối tượng, tổng số tiền gần 13,820 tỷ đồng. Tiến hành trợ cấp đột xuất 3.218 hộ, với 7.599 nhân khẩu được trợ giúp giáp hạt; hỗ trợ 13 người bị thương, 07 hộ được hỗ trợ làm nhà ở và 14 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở với ổng kinh phí thực hiện 1,497 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên trao điện thoại thông minh sử dụng phần mềm ứng dụng “9999 hy vọng” cho người khuyết tật tỉnh
Ngoài ra, Thái Nguyên còn thực hiện công tác trợ giúp xã hội thông qua các các tổ chức Hội. Cụ thể, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã chủ động tuyên truyền, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp tặng quà trong năm 2021 gồm: quà tặng, học bổng đã trao tặng cho trẻ mồ côi, người khuyết tật, hộ nghèo 260 xe lăn, 50 xe đạp, 30 suất học bổng, 521 suất quà; phối hợp với Trung ương Hội tổ chức vui Trung thu và hỗ trợ bằng hiện vật như bộ đồ vui chơi… với tổng số tiền gần 1,388 tỷ đồng.
Hội người mù tỉnh Thái Nguyên quan tâm đến công tác phát triên tổ chức, lao động sản xuất và đời sống, công tác tuyên truyền văn hóa, giáo dục thông qua các dự án chăn nuôi bò, lợn sinh sản; hỗ trợ sửa chữa nhà đại đoàn kết; dạy nghề bấm huyệt; tổ chức các hội nghị tọa đàm, tuyên truyền… Hiện nay, Hội đang quản lý 07 dự án chăn nuôi trâu, bò, lợn sinh sản cho 31 người mù có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với tổng số tiền 630 triệu đồng; phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ và sửa chữa 02 nhà đại đoàn kết; mở 2 lớp xoa bóp bấm huyệt cho 12 người mù, kinh phí 160 triệu đồng (hiện có 18 cơ sở dịch vụ xoa bóp do hội viên đứng ra tạo việc làm cho 90 người mù). Trong năm 2021, Hội đã trợ cấp khó khăn, thăm hỏi động viên 1.281 hội viên với số tiền là 376 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ở Thái Nguyên còn có các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật như: tổ chức SAP-VN phối hợp với Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên tổ chức khám sàng lọc cho hơn 120 trẻ em và chỉ định phẫu thuật, cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho 57 trẻ em bị khuyết tật hệ vận động. Quỹ VinaCapital và các đơn vị hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho 05 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh với số tiền 240 triệu đồng. Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên Việt Nam triển khai các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh như: tổ chức chương trình “Trung thu đoàn viên”, tặng quà cho 20 trẻ em trị giá 210 triệu đồng; triển khai dự án “Con đường ước mơ” cho 04 trẻ em được thụ hưởng với số tiền gần 300 triệu đồng. Công ty TNHH Shinwon Hà Nội hỗ trợ xây nhà tình nghĩa trị giá 100 triệu/nhà cho 01 trẻ em tại thị xã Phổ Yên...
Trao đổi về công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, cho biết: Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng, nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội; tổ chức thăm tặng quà hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cứu trợ đột xuất các hộ có nguy cơ thiếu đói giáp hạt. Đồng thời chú trọng hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo và các chương trình, dự án, đề án về trợ giúp xã hội.
“Công tác tham mưu xây dựng chính sách luôn được Ngành quan tâm. Trong năm 2021, Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 07 Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực Ngành quản lý, trong đó có những chính sách mang tính nhân văn cao như: Chính sách tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 600.000 đồng/tháng đối với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chính sách hỗ trợ hàng tháng đối với thành viên trong gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo với mức hỗ trợ bằng mức chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Đây là những đối tượng khó khăn không được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đã được tỉnh mở rộng” - Giám đốc Nguyễn Thị Quỳnh Hương, thông tin.
Có thể thấy, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như công tác an sinh và trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách của tỉnh Thái Nguyên, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội được đảm bảo; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh được hỗ trợ kịp thời.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08