Thanh Hóa chung tay chăm lo cho người nghèo
(LĐXH) Cùng với việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, việc kêu gọi sự chung tay của các cấp, ngành, tập trung nguồn lực để chăm lo cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo.
Để làm được điều đó, MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã xác định công tác chăm lo cho người nghèo là công việc thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Việc phát huy truyền thống đoàn kết “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia hưởng ứng các hoạt động vì người nghèo đã đạt kết quả cao.
Trong các ngày từ 28 đến 31-8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to gây lũ lụt xảy ra tại các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Yên Định đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, đối với huyện Mường Lát và Quan Hóa, lũ đã làm vùi lấp nhiều phòng học và nhà công vụ giáo viên, hàng trăm ngôi nhà, nhiều tuyến đường bị sạt lở dẫn đến nhiều xã bị cô lập, hàng ngàn gia đình hiện đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và cuộc sống.
Ngay sau đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ra lời kêu gọi, phát động đợt vận động ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại do mưa, lũ gây ra, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tính đến ngày 3-10 (sau hơn 1 tháng phát động), đã có 142 tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đăng ký ủng hộ qua Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa hơn 8 tỷ 293 triệu đồng. Ngoài ra, 8 huyện bị thiệt hại đã trực tiếp nhận tiền hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm với số tiền gần 13 tỷ 576 triệu đồng, 68.721 thùng mỳ tôm, 676 thùng sách vở, 12.155 thùng sữa, nước uống, lương khô, hơn 211 tấn gạo, 63 thùng muối, mỳ chính, bột canh, 240 thùng nước mắm, 14.842 suất quà... Đồng chí Hà Văn Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Đây là hành động ý nghĩa nhằm sẻ chia những khó khăn, kịp thời động viên nhân dân vùng lũ lụt nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và cuộc sống. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục chỉ đạo MTTQ các cấp tích cực vận động nhân dân giúp đỡ về ngày công lao động đối với các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chăm lo cho người nghèo, không thể không kể đến nguồn “Quỹ vì người nghèo” được triển khai sâu rộng ở khắp các địa phương và nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ. Năm 2018, “Quỹ vì người nghèo” của MTTQ các cấp đã vận động được trên 20 tỷ đồng để làm mới và sửa chữa gần 600 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ hơn 4.250 lượt người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hưởng ứng Ngày Quốc tế vì người nghèo và Tháng hành động vì người nghèo năm 2018, ngày 8-10, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục có Công văn số 1508/CV-MTTH-BTT vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” chung tay giúp đỡ người nghèo cả về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện để họ vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Nói về hiệu quả vận động quỹ vì người nghèo, đồng chí Đặng Xuân Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Sơn, cho biết: Những năm gần đây, Đông Sơn là một trong những huyện vận động được quỹ vì người nghèo đạt khá. Việc sử dụng quỹ rất hiệu quả, kịp thời và đúng quy chế. Nhờ nguồn quỹ này mà huyện đã giúp đỡ, ủng hộ các gia đình nghèo như: Xây mới, sửa nhà ở; hỗ trợ chữa bệnh dài ngày; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; thăm hỏi, động viên bà con nhân dịp tết cổ truyền.
Chăm lo cho người nghèo còn là những hoạt động thiết thực của các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai các dự án, phong trào như: Dự án Ngân hàng bò của hội chữ thập đỏ; phong trào “Giúp phụ nữ nghèo” có địa chỉ của hội liên hiệp phụ nữ; thực hiện cung ứng thức ăn, phân bón trả chậm cho hội viên của hội nông dân. Hay các hình thức hỗ trợ khác như: Hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tập huấn hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề; phân công cán bộ xuống các chi hội để hướng dẫn hội viên tại hộ gia đình theo phương pháp cầm tay chỉ việc... Cùng với đó là vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ tổ chức liên kết giữa các HTX và hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phát huy nghề truyền thống của địa phương; tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Qua đó đã tiếp thêm nguồn lực, tạo điều kiện để người nghèo vươn lên.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động, tạo ra nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo, đã tác động tích cực đến nhân dân, nhận thức của nhân dân về giảm nghèo từng bước thay đổi; công tác chăm lo cho người nghèo ngày càng đa dạng, phong phú và thiết thực; nguồn lực chăm lo cho người nghèo được sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Phan Nga
Từ khóa:
-
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
21-01-2025 09:12 54
-
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
21-01-2025 09:12 36
-
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
21-01-2025 06:04 09
-
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
19-01-2025 23:43 35
-
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
19-01-2025 17:47 48
-
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
18-01-2025 10:32 19