Xã hội
Thanh Hóa: Điểm sáng về mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau
09:11 AM 25/10/2022
(LĐXH)- Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng và nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát huy và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT trong cả nước.
Một trong những chính sách góp phần quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016  và Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025  theo Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế đã khẳng định CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là một chính sách đúng đắn, nhân văn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng.

Ra mắt Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bản Luốc Lầu, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa)

Hiện nay, Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng và nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh đã thành lập được 884 CLB, thu hút trên 48.600 thành viên tham gia sinh hoạt, chiếm gần 22,8% tổng số CLB cả nước, đặc biệt có 90% thành viên được vay vốn tăng gia, chăn nuôi sản xuất đã thoát nghèo bền vững.
Theo đánh giá của Hội NCT tỉnh, các CLB hoạt động hiệu quả, luôn thực hiện thường xuyên được 8 mảng hoạt động, duy trì sinh hoạt thường kỳ 01 lần/tháng. Các CLB đang quản lý vốn tăng thu nhập trên 67,2 tỷ đồng, giúp cho hơn 21.700 thành viên được vay vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; trên 1.420 hộ NCT đã xóa nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên khá giả, đời sống được cải thiện.
Điều đáng nói là tại các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, các hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ hội viên, NCT, các đối tượng khó khăn trong cộng đồng được phát huy. Các CLB đều có tổ tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, nhờ đó đã có trên 5.372 người cô đơn, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các tình nguyện viên giúp đỡ, chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh Thanh Hóa khẳng định: CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình có tính nhân văn cao, hỗ trợ toàn diện và hiệu quả trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Ở đâu có CLB, ở đó NCT được chăm sóc tốt hơn cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, nên các thành viên rất gắn bó với CLB.
Thông qua hoạt động CLB đã tăng cường sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên; gắn kết tình làng, nghĩa xóm, thúc đẩy các phong trào thi đua tại cộng đồng và giúp người dân am hiểu hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển.
Đến nay toàn tỉnh có 27/27 huyện, thị xã, thành phố (100%); 411/559 xã, phường, thị trấn (73,5%) có CLB Liên thế hệ tự giúp nhau; 10 huyện, thành phố phủ kín CLB đến tất cả các xã, phường, thị trấn; 11 xã, phường, thị trấn phủ kín CLB đến tất cả các thôn, khu phố.
Do CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập từ nhiều năm, có số lượng lớn, bao phủ trên khắp các địa bàn dân cư, thu hút được đông đảo thành viên, có các hoạt động toàn diện, nên đã giúp NCT và trong cộng đồng ở nhóm yếu thế, khó khăn nâng cao được chất lượng cuộc sống cả về vật chất, tinh thần, sức khỏe, hòa nhập cộng đồng, góp phần vào thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Đến nay, đã có trên 21.700 thành viên CLB được vay từ 5-7 triệu đồng, kết hợp với vốn gia đình để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhờ vậy đã giúp 4.331 hộ thành viên thoát nghèo. Nhiều huyện làm tốt như Triệu Sơn, Nga Sơn, Như Thanh, Hậu Lộc, Hoằng Hóa.
Một tiết mục văn nghệ của các thành viên CLB ở huyện Yên Định biểu diễn

Điển hình như huyện Nga Sơn đã thành lập được 28 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau với 50 - 70 thành viên/CLB. Vốn hỗ trợ cho mỗi câu lạc bộ là 50 triệu đồng, bao gồm nguồn vốn của huyện và xã, cũng như sự đóng góp của hội viên có điều kiện. Sau khi ra mắt và đi vào hoạt động, các CLB đã thu hút trên đông đảo thành viên tham gia.
Trong đó, hội viên NCT chiếm 70%, còn lại là đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ. Các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, là chỗ dựa tinh thần, động viên người cao tuổi; tạo điều kiện cho nhiều thành viên có hoàn cảnh khó khăn vay đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Cùng với đó, hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh được duy trì và phát triển, tạo không khí vui vẻ, gắn kết giữa NCT với các thành viên trong CLB, gia đình và cộng đồng.
Các CLB còn thành lập đội văn nghệ phục vụ trong các buổi sinh hoạt định kỳ, tham gia biểu diễn tại địa phương và giao lưu với các CLB khác trên địa bàn. Các bài tập dưỡng sinh được các CLB chia nhóm tập luyện hằng ngày, góp phần tăng cường sức khỏe, nâng cao tinh thần cho các thành viên. Các hoạt động tự giúp nhau, phát huy tinh thần tương thân, tương ái cũng được các CLB quan tâm.
Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt định kỳ, các thành viên còn tăng cường trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Thông thường các CLB tại Nga Sơn có từ 50 đến 70 thành viên, trong đó gần 70% là hội viên NCT, 30% thành viên dưới 55 tuổi. Để CLB hoạt động hiệu quả, Ban chủ nhiệm các CLB xây dựng kế hoạch hoạt động và chọn hội viên thành lập nhóm, tổ phù hợp theo năng khiếu và địa bàn sinh hoạt, gồm tổ phát triển kinh tế, tổ thể dục dưỡng sinh, tổ văn nghệ, tổ tăng thu nhập./.
Hồng Hà
Từ khóa: