Xã hội
Thanh Hóa: Kinh nghiệm triển khai Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau
04:04 PM 12/10/2022
(LĐXH) Là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện hiệu quả Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) nhất trong cả nước, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để mô hình hoạt động hiệu quả. Thông qua mô hình, NCT được quan tâm chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn cách làm ăn để tăng thu nhập và hỗ trợ cộng đồng, đồng thời khuyến khích toàn xã hội quan tâm chăm lo để NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đo huyết áp cho thành viên trong mỗi kì sinh hoạt CLB LTHTGN
Từ năm 2010, Hội NCT tỉnh đã tiếp cận và thành lập các CLB LTHTGN đầu tiên từ Dự án Quốc tế (VIE022) do Trung ương Hội NCT và Tổ chức hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam (HAIV) triển khai. Tính đến nay, Hội NCT tỉnh đã tiếp nhận 5 Dự án quốc tế (VIE022, VIE047, VIE051, VIE062-65, VIE071), đồng thời chủ động xây dựng Đề án, đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt và giao cho Hội tổ chức thực hiện là Đề án 200 giai đoạn 2013-2016 (nhân rộng 200 CLB LTHTGN, do tỉnh Quyết định trước khi có các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ); Đề án 300 (nhân rộng 300 CLB) thực hiện Quyết định 1533 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án 400 (nhân rộng 400 CLB) thực hiện Quyết định 1336 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025.
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 884 CLB LTHTGN (trong đó có 291 CLB của các Dự án quốc tế và 593 CLB thuộc các Đề án của tỉnh), thu hút trên 48.600 thành viên tham gia, vốn tăng thu nhập đạt 69,27 tỉ đồng. Đã có 27/27 huyện, 410/559 xã, phường, thị trấn có CLB LTHTGN; 9 huyện, thành phố phủ kín CLB LTHTGN đến tất cả các xã, phường, thị trấn, nhiều cơ sở phủ kín CLB đến tất cả các thôn, khu phố. 5 năm qua, thành lập mới 407 CLB. Riêng 10 tháng vừa qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, nhưng vẫn thành lập được 86 CLB LTHTGN mới.
Điều đáng phấn khởi là 884 CLB, có những CLB đã thành lập 11 năm, nhưng đều phát triển tốt, thực hiện thường xuyên 8 mảng hoạt động, duy trì sinh hoạt thường kì 1 lần/tháng, vốn tăng thu nhập không bị thất thoát mà được tăng lên. Có CLB vốn ban đầu 50,7 triệu, nhưng nay đã có trên 200 triệu đồng. Riêng huyện Triệu Sơn có 83 CLB, có số CLB LTHTGN cao nhất trong các huyện của cả nước.
Bài dưỡng sinh của thành viên CLB LTHTGN ở Thanh Hóa

Theo Hội NCT tỉnh, sở dĩ có được những kết quả trên, Hội đã rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và nhân rộng mô hình CLB LTHTGN như:
Một là, phải chủ động tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh và các địa phương, sự phối hợp của các tổ chức. Các tài liệu về CLB LTHTGN, Hội NCT tỉnh đều gửi cho lãnh đạo tỉnh. Mời lãnh đạo tỉnh trả lời phỏng vấn báo chí để tuyên truyền. Báo cáo tỉnh đối với các Dự án quốc tế về nhân rộng CLB. Ngay từ năm 2013, khi chưa có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hội NCT tỉnh đã xây dựng Đề án của tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt cho thành lập 200 CLB LTHTGN cho giai đoạn 2013-2016. Các Đề án của tỉnh thực hiện Quyết định 1533/QĐ-TTg, 1336/QĐ-TTg, Hội NCT tỉnh đều chủ động xây dựng Đề án, Tờ trình, phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thẩm định báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, cho phép thành lập 300 CLB giai đoạn 2017-2020, 400 CLB giai đoạn 2021-2025. Mỗi năm ngân sách tỉnh cấp cho Hội NCT 950 triệu đồng để quản lí, in ấn tài liệu, tuyên truyền vận động, tập huấn, kiểm tra đôn đốc. Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, Hội chủ trì phối hợp triển khai, có văn bản cho UBND và Hội NCT các huyện chỉ đạo trong hệ thống. Nhờ vậy, việc thực hiện nhân rộng mô hình CLB LTHTGN khá đồng bộ, thuận lợi.
Hai là, phát huy vai trò của Hội các cấp, nhất là Hội cơ sở để tuyên truyền, vận động thành lập CLB LTHTGN; phân công trách nhiệm rõ ràng cho Hội các cấp tạo nên sự thống nhất, nhịp nhàng, đồng bộ. Hằng năm, căn cứ mục tiêu Đề án đã được phê duyệt, Hội xác định chỉ tiêu định hướng giao cho từng sơ sở. Hội NCT tỉnh chịu trách nhiệm tập huấn, cung cấp tài liệu, chỉ đạo nhân rộng mô hình toàn tỉnh; tặng máy đo huyết áp, cân nặng, phê chuẩn hồ sơ thành lập CLB, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án. Hội cấp huyện lo vận động Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT cấp huyện, dành 60% để cấp vốn tăng thu nhập cho các CLB (mỗi CLB được huyện cấp vốn 20-30 triệu đồng khi thành lập); hướng dẫn thủ tục thành lập CLB, tổ chức giao ban các CLB 6 tháng 1 lần; quản lí, kiểm tra đôn đốc. Hội NCT cấp xã trực tiếp tuyên truyền, chọn địa bàn để vận động thành lập, báo cáo cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, cho phép, làm thủ tục để tỉnh Hội phê chuẩn và trình UBND xã thành lập, trực tiếp vận động nguồn lực tại cơ sở, tổ chức ra mắt và trực tiếp quản lí CLB. Lễ ra mắt CLB tổ chức trang trọng như một ngày hội trong cộng đồng dân cư, tạo nên dấu ấn, sự phấn khởi và sức hấp dẫn của CLB.
Ba là, phải chủ động xây dựng nguồn lực ngay từ ban đầu cho CLB, từ vận động xã hội hóa. Ở Thanh Hóa, Hội NCT hướng dẫn mỗi CLB mới thành lập phải đảm bảo có vốn từ 50 triệu đồng trở lên, trong đó Hội NCT cấp huyện cấp 20-30 triệu đồng; Hội NCT cơ sở, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân ủng hộ 20-30 triệu đồng, hội viên tự đóng góp 5-10 triệu đồng. Đến nay nhiều CLB đã có vốn hơn 200 triệu đồng, bình quân chung là 78 triệu đồng/CLB.
Bốn là, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo, quản lí đối với các CLB LTHTGN. Mỗi năm, Hội NCT tỉnh tổ chức 7-9 lớp tập huấn, mỗi lớp 3 ngày, cho các CLB mới được thành lập và tập huấn nâng cao cho các CLB thay đổi nhân sự Ban Chủ nhiệm. Kinh phí ăn, nghỉ, đi lại, tài liệu của học viên đều do Hội NCT tỉnh bảo đảm.
Năm là, xây dựng CLB là mái nhà chung ấm áp, đầy tình thương yêu, mang lại lợi ích thiết thực cho NCT. Các buổi sinh hoạt duy trì sự hấp dẫn, đoàn kết, dân chủ, đầm ấm. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chấn chỉnh các hoạt động của CLB./.
Minh Anh

Từ khóa: