Xã hội
Thanh Hóa: Thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, chính sách giảm nghèo
05:22 PM 26/02/2019
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 3 năm qua, tỉnh Thanh Hóa có trên 54,4 nghìn lượt hộ nghèo được tạo điều kiện phát triển sản xuất, hỗ trợ 115 mô hình phát triển sản xuất và 22 mô hình giảm nghèo do cấp xã làm chủ đầu tư tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với mục tiêu kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,54%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước.
Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định là một trong năm chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020. Ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Quyết định 289-QĐ/TU ngày 27-5-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao đề ra những giải pháp về giảm nghèo để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Nhiều hộ dân trong tỉnh đã thoát nghèo nhờ Mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây thanh long
Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật; đồng thời tranh thủ vận dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong 3 năm qua đã có trên 54,4 nghìn lượt hộ nghèo được tạo điều kiện phát triển sản xuất, đồng thời hỗ trợ thực hiện được 115 mô hình phát triển sản xuất và 22 mô hình giảm nghèo do cấp xã làm chủ đầu tư tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhìn chung, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn; các mô hình được xây dựng trên cơ sở đề xuất của người dân, thống nhất của chính quyền cấp xã và phê duyệt của cấp huyện; có cơ chế thu hồi một phần vốn hoặc hiện vật để luân chuyển cho nhiều hộ được tham gia. Các hộ tham gia đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đồng thời phải góp một phần kinh phí đối ứng và có cam kết phấn đấu thoát nghèo khi kết thúc chu kỳ hỗ trợ, nên đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của hộ nghèo. Đã có 1.354 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các dự án, mô hình. Thu nhập của các hộ tham gia dự án, mô hình tăng bình quân từ 1,8 đến 2,0 lần so với năm 2015; bình quân có khoảng 15% hộ gia đình tham gia dự án, mô hình thoát nghèo hàng năm. Những huyện chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo là: Như Xuân, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Như Thanh...
Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nhiều tổ chức đoàn thể đã phát huy được tính tiền phong, sáng tạo để giúp đỡ hội viên xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ năm 2016 đến nay, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã xây dựng, thực hiện được gần 50 mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo cho trên 2.000 hội viên với kinh phí hỗ trợ trên 15 tỷ đồng, tiêu biểu như các mô hình nuôi trâu, bò, lợn cỏ sinh sản, lợn rừng, gà ri lai thương phẩm; nuôi cá lồng; trồng cam V2, bưởi Diễn, bí xanh, nghệ ruột đỏ, hoa...
Để giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo nhanh và bền vững, trong những năm gần đây các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng và phát triển 641 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ thoát nghèo ở thôn, bản, thu hút trên 32 nghìn hội viên tham gia. Tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo cho hội viên như thành lập các HTX, tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình “Ngân hàng bò” thu hút 88 hội viên. Hiện nay 100% số hộ gia đình phụ nữ nghèo được tổ chức hội các cấp hỗ trợ bằng nhiều hình thức, trong đó trung bình mỗi năm có 3.000 hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo.
Trong 3 năm qua, chương trình xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của địa phương, của chính bản thân người nghèo, khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng dân cư trong việc giúp nhau sản xuất... cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo. Chương trình giảm nghèo đạt được những kết quả quan trọng, toàn tỉnh đã giảm được trên 47,1 nghìn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,08%, đạt 50,8% kế hoạch, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Sản xuất có bước cải thiện rõ nét, thu nhập hộ nghèo gấp 1,84 lần so với năm 2015. Đã có huyện Như Xuân thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 11 xã bãi ngang, 14 xã và 16 thôn, bản miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có 6 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mà tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn ở mức cao. Vì vậy rất cần sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự nỗ lực vượt bậc của chính người nghèo mới có thể hoàn thành được chương trình đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 1,01%.
Theo Báo Thanh Hóa
 
Từ khóa: