Xã hội
Thanh Hóa tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
10:59 AM 14/04/2023
(LĐXH)-Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 930.000 trẻ em (chiếm 25,6% dân số toàn tỉnh), trong đó, có gần 150.000 trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số; hơn 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 104.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trong những năm qua, các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, cộng đồng, dân cư và gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Trước thực trạng trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em năm 2023. Theo đó, các nội dung thực hiện được đề ra là: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Rà soát, cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động, biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em với tất cả các cấp độ từ phòng ngừa đến hỗ trợ và can thiệp.  Cụ thể, đối với các hoạt động, biện pháp ở cấp độ hỗ trợ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin, cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập lại môi trường sống an toàn cho trẻ em.
Sở cũng chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã, các cơ sở trợ giúp xã hội triển khai thực hiện tốt hoạt động tiếp nhận thông tin về các trường hợp trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, đánh giá mức độ tổn hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã hướng dẫn, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước: chính sách trợ giúp xã hội, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ về sinh kế, tạo việc làm nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình và trẻ em.
Còn đối với các hoạt động, biện pháp ở cấp độ can thiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội, tư vấn tâm lý và kết nối với các cơ sở cung dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em để kịp thời chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý, bảo vệ an toàn cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp với các cơ sở trợ giúp xã hội bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em; bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em trong trường hợp trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em, cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em; hỗ trợ đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em bị bạo lực, xâm hại về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho các em; tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại tại địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp để tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp nhận điều trị kịp thời cho trẻ em khi bị xâm hại (đặc biệt là bạo lực và xâm hại tình dục); áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong thời gian điều trị tại cơ sở y tế và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thu thập, bảo quản chứng cứ để xử lý các đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và vi phạm quyền trẻ em; thực hiện hiệu quả các hoạt động trợ giúp, giám định cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại.

Trong quá trình tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên của Kế hoạch, Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới sẽ chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho lãnh đạo Sở triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả các nội dung của Kế hoạch. Đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Sở phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em./.

 Minh Hằng

 

Từ khóa: