Xã hội
Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) nỗ lực hỗ trợ người dân thoát nghèo
12:34 PM 30/09/2020
(LĐXH)-Giai đoạn 2016-2020, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo. Thành phố đã tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả; cải thiện một bước về điều kiện, chất lượng cuộc sống và phát triển sản xuất ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn.
Số hộ nghèo trên địa bàn thành phố Bảo Lộc giảm đáng kể, từ 604 hộ nghèo đầu năm 2016 giảm xuống còn 273 hộ và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,59% vào cuối năm 2019. Riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo đã giảm từ 89 hộ (chiếm tỷ lệ 7,33%) năm 2016 xuống còn 26 hộ (tỷ lệ 2,04%) vào cuối năm 2019.
Các chính sách về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn đang phát huy hiệu quả ở các địa phương, hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất của hệ thống khuyến nông ngày càng có hiệu quả, góp phần tích cực vào sản xuất, tăng năng xuất cây trồng vật nuôi và chất lượng sản phẩm.
Việc thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi người nghèo, thực hiện hiệu quả các chương trình vốn vay chính sách xã hội đã thực sự giúp người nghèo có vốn để chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp đạt kết quả kinh tế cao, vuơn lên làm ăn có hiệu quả.
Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường đã được triển khai thực hiện hiệu quả đã tạo điều kiện  bảo vệ sức khỏe cho người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Phong trào giảm nghèo trên địa bàn thành phố có thể nói đã được xã hội hóa trong cộng đồng dân cư, những tiềm lực kinh tế trong dân được huy động, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, đời sống tạo tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư giúp cho phần lớn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo có đời sống khá giả.
Tính đến thời điểm này, công tác giảm nghèo của thành phố Bảo Lộc đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Song bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc tập trung các nguồn lực cho Chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhưng thực tế, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc vẫn còn một số địa phương thiếu sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chương trình giảm nghèo.
Người dân ở thành phố Bảo Lộc đã chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp đạt kết quả kinh tế cao, vuơn lên làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo
Mặc dù nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã cho vay với số lượng tương đối lớn nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân, nhất là đối tượng hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn.
Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ thành phố đến cơ sở đều kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau của ngành Lao động  - Thương binh và Xã hội nên việc thực hiện công tác giảm nghèo còn hạn chế, chưa chuyên sâu.
Sự phối hợp giữa các Ban, ngành, đoàn thể và việc lồng ghép các chương trình phát triển KT- XH với chương trình giảm nghèo bền vững chưa thật sự đồng bộ.
Công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cần đẩy mạnh hơn nữa, tuyên truyền phổ biến nhân rộng những mô hình thoát nghèo để mọi hộ nghèo đều có khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất và đời sống.
Các địa phương, cơ quan chức năng chưa có các giải pháp hữu hiệu quản lý, tác động đến đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nên giá cả nông sản chưa thực sự ổn định, chưa có các quy chuẩn định giá nông sản để phục vụ việc xác định thu nhập khi bình xét hộ nghèo.
Vẫn còn một bộ phận hộ nghèo do lười lao động và tư duy, nhận thức hạn chế nên đã qua nhiều năm nhưng chưa thoát được nghèo, chưa tự vươn lên thoát nghèo là chính. Do vậy cần phải tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để thay đổi nhận thức và hành động của các đối tượng này. Tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội còn chiếm tỷ lệ khá cao (42 hộ, tỷ lệ 15.38%).
Trong thời gian tới, thành phố Bảo Lộc sẽ tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại trước mắt, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Thành phố sẽ đặc biệt ưu tiên hỗ trợ cho người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo tại các thôn, buôn, tổ dân phố có tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp, các dân tộc và các nhóm dân cư.
Thành phố cũng đề nghị các tỉnh và các cơ quan, ngành chức năng tăng cường biện pháp hỗ trợ vật tư nông nghiệp, cây giống, con giống cho các hộ nghèo để họ có điều kiện phát triển sản xuất từ đó vươn lên thoát nghèo.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh xem xét kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu chuyển đổi hình thức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo thông qua thanh toán trực tiếp cho cơ quan điện lực hoặc hỗ trợ 02 lần/năm. Nghiên cứu để giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không sang tăng dần cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự chủ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, có cơ chế để khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo./.
Mỹ Hạnh
 
Từ khóa: