Xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh: Trên 2.500 người bán dâm và người có nguy cơ cao hoạt động bán dâm được hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ xã hội
11:32 AM 27/06/2024
(LĐXH)-Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 4.296 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (gồm: 2.385 cơ sở lưu trú; 1.255 nhà hàng karaoke và cơ sở massage; 71 vũ trường, bar, beer club, công ty giải trí biến tướng thành bar; 585 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác); trong đó 657 cơ sở có nghi vấn hoạt động mại dâm và 883 cơ sở có nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục. Tổng số nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ là 17.872 người, trong đó, số nhân viên có nghi vấn hoạt động mại dâm là 994 người và khiêu dâm, kích dục là 1.526 người.
Căn cứ các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong Kế hoạch số 908/KH-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 100% quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm; 100% quận, huyện, thành phố Thủ Đức lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho 453 công chức, viên chức, cán bộ, cộng tác viên… thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm tại cơ sở.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí nhằm ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn TPHCM
Công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống mại dâm được thực hiện thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố, xét xử các đường dây, ổ, nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm đạt được một số kết quả nhất định. Riêng các Đoàn, Đội, Tổ Kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội từ Thành phố đến quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra 1.930 lượt cơ sở, phát hiện 701 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội. Kết quả đã xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền 683 cơ sở với tổng số tiền phạt là 5,47 tỷ đồng.
Về hoạt động can thiệp giảm hại cho nhóm người bán dâm, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024, có 2.565 người bán dâm và người có nguy cơ cao hoạt động bán dâm được hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ xã hội.
Về công tác hỗ trợ học nghề và tạo việc làm, trong 6 tháng đầu năm 2024, Câu lạc bộ hỗ trợ người bán dâm, người có nguy cơ hoạt động bán dâm tiếp cận với các đơn vị cung cấp dịch vụ can thiệp giảm hại đã hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 01 trường hợp là người bán dâm.
Hiện nay, các cơ chế, chính sách, hướng dẫn các nội dung chi và mức chi cho các hoạt động triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm đã hết hiệu lực (giai đoạn 2016 - 2020). Do đó, từ năm 2021 đến nay, các hoạt động của mô hình chỉ duy trì với hình thức truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm, can thiệp giảm hại. 
Theo đánh giá, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về mại dâm trên địa bàn TP. HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhằm thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến mại dâm trong tình hình mới cũng như hỗ trợ người bán dâm từng bước chuyển đổi hành vi ổn định cuộc sống, Ủy ban nhân dân TP. HCM kiến nghị Kiến nghị Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo thống nhất, phù hợp với tình hình hiện nay như: sửa đổi, bổ sung quy định về từ ngữ “mua dâm”, “bán dâm”, “giao cấu”, “mại dâm đồng tính”, “mại dâm chuyển giới”, “khiêu dâm, kích dục”… đồng thời sớm có văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất về việc xử lý các hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính.
Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn các nội dung chi và định mức chi triển khai các hoạt động triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
UBND Thành phố cũng kiến nghị các ngành chức năng, nhất là ngành thông tin và truyền thông, văn hóa - thể thao và du lịch, ngân hàng, các nhà mạng… tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ việc mở tài khoản, kiểm soát các hoạt động trung gian thanh toán, thanh toán trực tiếp, trực tuyến, ngăn chặn tội phạm rửa tiền, chuyển tiền, ngoại tệ trái phép ra nước ngoài liên quan đến hoạt động mại dâm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo, mời chào, hướng dẫn các hình thức cờ bạc, mại dâm trên internet...
Kiến nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm; nhất là kỹ năng thu thập, chuyển hóa thông tin, tài liệu về mại dâm trên không gian mạng; trang bị các trang thiết bị cần thiết trong việc thu thập thông tin về số đối tượng hoạt động mại dâm trên không gian mạng nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, triệt phá tệ nạn mại dâm trong tình hình mới./.
Minh Hằng