Xã hội
Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%
11:04 AM 15/10/2020
(LĐXH) - Theo Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Tô Đức, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đo lường nghèo đa chiều phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội cụ thể của đất nước và thu nhập là một chiều trọng tâm, chủ yếu trong các chiều đo lường nghèo. Phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều được xây được trên cơ sở khoa học, có thể so sánh với quốc tế và khu vực, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách...
Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%
Theo đề xuất, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025 sẽ thay đổi. Hộ nghèo: Khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ, 10 triệu khẩu; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7%, tương ứng với 1,89 triệu hộ, 7,61 triệu khẩu. Ước tính khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 78,30% so với giai đoạn 2016-2020; ngân sách chi để thực hiện các chính sách giảm nghèo bình quân là 25.000 tỷ đồng/năm (bao gồm ngân sách hỗ trợ chi mua bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục, tiền điện, tín dụng/cấp bù lãi suất, trợ giúp pháp lý…), không làm gia tăng ngân sách so với giai đoạn 2016 - 2020.
Qua báo cáo đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cho thấy, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã bước đầu phân loại được mức độ nghèo giữa các vùng, miền. Phương pháp, công cụ, quy trình rà soát hộ nghèo bảo đảm tính khách quan, dễ nhận diện đối tượng. 
NHB
Từ khóa: