Thị xã Phổ yên (Thái Nguyên) nỗ lực giảm nghèo bền vững
Với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, thời gian qua, T.X Phổ Yên đã triển khai và thực hiện đồng bộ, đa dạng, hiệu quả các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Bình quân mỗi năm, Thị xã giảm được 2% hộ nghèo theo kế hoạch đề ra.
Bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội T.X Phổ Yên cho biết: Đối với các vùng nông thôn, nguyên nhân chính dẫn đến cái nghèo là người dân thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất. Do vậy thời gian qua, cùng với việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo của Nhà nước, địa phương cũng ưu tiên, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để người dân yên tâm sản xuất. Cùng với đó, Thị xã đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Thị xã đặc biệt quan tâm hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, trao bò sinh sản… cho hộ đặc biệt khó khăn giúp họ đảm bảo cuộc sống.
Trong năm 2018, toàn Thị xã có 2.000 hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách của tỉnh và địa phương, Thị xã cũng dành hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ người dân vùng khó khăn (ở các xã: Thành Công, Vạn Phái, Minh Đức, Phúc Thuận…) về cây, con giống và mua sắm nông cụ. Thông qua các phong trào, hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể đã thu hút sự quan tâm, giúp đỡ của các cá nhân, tập thể, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác giảm nghèo.
Căn cứ vào thực tiễn ở mỗi địa phương, Thị xã cũng chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn có kế hoạch hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo làm ăn theo hướng điều chỉnh và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề có hiệu quả, phù hợp. Điển hình như xã Minh Đức, ngay từ đầu năm, xã đã chỉ đạo các xóm thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo từng nhóm cụ thể để tìm nguyên nhân, từ đó có cách giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Với lợi thế vườn đồi, thời gian qua, xã đã khuyến khích, vận động bà con cải tạo, đưa các loại cây ăn quả cho năng suất cao vào trồng với diện tích 136ha nhằm cải thiện thu nhập. Nhờ được vay vốn ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật công nghệ sinh học vào trồng bưởi diễn, thanh long ruột đỏ, cam vinh… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm (năm 2017 là 34 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,2%.
Là một trong những địa phương có các khu, cụm công nghiệp phát triển lớn mạnh, hằng năm, cùng với công tác đào tạo nghề, Thị xã còn làm tốt công tác kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là lao động thuộc diện nghèo và cận nghèo. Bình quân mỗi năm, hơn 300 lao động thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Thị xã, với mức lương bình quân đạt 5-7 triệu đồng/người/tháng. Chị Đỗ Thị Hiền, xã Thành Công cho biết: Trước đây, với 3 sào đất nông nghiệp, quanh năm chỉ biết cấy lúa, trồng màu nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm 2015, tôi được tuyển dụng vào làm việc tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Điềm Thụy với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, nhờ đó gia đình đã vơi bớt khó khăn, đến nay đã vươn lên thoát nghèo.
Ngoài việc thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, việc hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng được Thị xã thực hiện có hiệu quả. Theo đó, Thị xã đã lắp đạt 72 cụm loa truyền thanh mới tại các xóm thuộc vùng khó khăn, nhằm tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân với kinh phí hơn 700 triệu đồng; gần 5.000 hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận, cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Hằng năm, Thị xã cũng thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời chính sách liên quan đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.
Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tăng cường đầu tư, đời sống người nghèo từng bước được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thị xã còn 3,7% (năm 2017 là 5,2%); thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn đạt gần 40 triệu đồng/người/năm (năm 2017 là hơn 30 triệu đồng). Nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, thời gian tới, Thị xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, giúp người nghèo tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội, trước hết là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt. Thực hiện rà soát, phân loại nhóm hộ nghèo theo nguyên nhân để đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, phấn đấu đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động nông thôn, trong đó lao động là hộ nghèo, hộ chính sách là gần 700 lao động. Thị xã cũng sẽ trích từ nguồn ngân sách số tiền gần 2 tỷ đồng chuyển sang Ngân hàng Chính sách - Xã hội Chi nhánh Thị xã để tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho người dân…
Trịnh Phương
Từ khóa:
-
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
19-01-2025 23:43 35
-
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
19-01-2025 17:47 48
-
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
18-01-2025 10:32 19
-
Những khu giải trí từng hot nhất Hà Nội: Hoàng kim rồi vụt tắt
15-01-2025 09:54 03
-
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang
14-01-2025 14:34 36
-
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
14-01-2025 11:10 58