Xã hội
Thừa Thiên Huế: Cần có các giải pháp đột phá trong thực hiện các chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững
10:30 AM 09/07/2022
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, toàn tỉnh hiện có 9.703 hộ nghèo, tỷ lệ 2,99%; tổng số hộ cận nghèo là 12.104 hộ, tỷ lệ: 3,73%. So với cuối năm 2020, tỷ lệ nghèo cuối năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,46%.
Tuy nhiên, nếu tính theo tiêu chí quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025 thì kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay như sau: 16.006 hộ nghèo; 12.803 hộ cận nghèo. Trong đó, huyện A Lưới có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với các huyện, thành phố. Về các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, có 7 chỉ số thiếu hụt trên 30% đối với hộ nghèo là: việc làm, người phụ thuộc, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, nhà vệ sinh, dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin; có 3 chỉ số thiếu hụt trên 20% đối với hộ cận nghèo là: việc làm, bảo hiểm y tế, dịch vụ viễn thông. Các cơ quan chức năng cho rằng có 7 nguyên nhân chính dẫn đến nghèo, trong đó 2 nguyên nhân cơ bản có tỷ lệ cao gồm: không có đất sản xuất và không có vốn sản xuất, kinh doanh.
Theo dự thảo Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu giảm nghèo theo hướng đa chiều, bao trùm và bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%. Cụ thể, khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,5%, khu vực miền núi giảm còn dưới 5%; khu vực thành thị không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo không có khả năng lao động); các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% (ngoài huyện A Lưới) giảm bình quân từ 3,5 - 4,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3% (riêng huyện A Lưới mỗi năm giảm 7-9%); không có hộ nghèo có thành viên là người đang thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đến cuối năm 2025, huyện A Lưới và 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước. Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
Sản xuất nấm sạch ở Thị xã Hương Trà
Theo đề án, xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh giai đoạn 2021-2025 như: Chính sách hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế cho thành viên thuộc hộ cận nghèo; Chính sách xoá nghèo cho hộ nghèo có thành viên đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đến năm 2025; Chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng lao động; Phân công các sở, ban, ngành, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh hỗ trợ xoá nghèo theo địa chỉ cho các hộ gia đình nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; Chính sách Hỗ trợ cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững; Chính sách xoá nhà tạm cho hộ nghèo (cho các xã, phường, thị trấn ngoài địa bàn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho đối tượng người có công với cách mạng hoặc thân nhân người có công với cách mạng); Chính sách ưu đãi lãi suất vay vốn và bổ sung ngân sách (tỉnh, huyện) uỷ thác qua NHCSXH để cho các hộ nghèo vay theo kế hoạch giảm nghèo theo địa chỉ của từng địa phương; Đề nghị các hội đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh) xây dựng Đề án giảm nghèo theo địa chỉ trong các hội viên của mình; Chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư, liên kết theo chuỗi giá trị tại các địa bàn đặc biệt khó khăn…
Tại hội nghị báo cáo Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận, phân tích làm rõ thêm tình hình nghèo thực tế tại địa phương và đóng góp các ý kiến, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, sớm đưa Đề án triển khai áp dụng vào thực tế. Đồng thời, cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các giải pháp để giải quyết chiều thiếu hụt việc làm; tư liệu sản xuất; việc nhân rộng các mô hình sinh kế phù hợp với từng địa bàn cụ thể; việc huy động, phát huy các nguồn lực giảm nghèo. Mặt khác, các đại biểu cũng quan tâm đến cách tổ chức thực hiện Đề án đến từng cấp địa phương; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, người dân về giảm nghèo bền vững.       
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, giảm nghèo bền vững là một chương trình đặc biệt quan trọng của tỉnh, giảm nghèo bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân trong việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, cần có các giải pháp đột phá trong thực hiện các chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững. Huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Với mục tiêu là phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2024 còn 2,2% và đến cuối năm 2025 còn 1,84%; huyện A Lưới đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Khánh Quyên

 

Từ khóa: