Xã hội
Thừa Thiên Huế tích cực tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm
04:38 PM 02/07/2024
(LĐXH)-Tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tiếp tục được kiềm chế, không hình thành điểm nóng gây mất an ninh trật tự.
Theo thống kê, hiện nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 137 cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó có: 51 nhà nghỉ; 4 khách sạn: 4; 02 quán cafe; 15 nhà hàng, Bar; 45 quán karaoke; 20 cơ sở massage. Số nhân viên phục vụ trong các cơ sở là 274 người (150 nam, 124 nữ).
Số người nghi vấn hoạt động mại dâm trong các cơ sở là 56 người;
Tổng số người qua rà soát phát hiện và quản lý 30 đối tượng gái bán dâm ở địa bàn công cộng.
Nhằm giảm thiểu tệ nạn mại dâm trên địa bàn, xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, ngay từ đầu năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn; tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024; Xây dựng kế hoạch truyền thông, tập huấn công tác phòng chống tệ nạn xã hội năm 2024.
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt quả tang nhóm đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại một nhà nghỉ (Ảnh minh hoạ)
Sở đã hướng dẫn cho các địa phương nội dung truyền thông phòng chống tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn phòng chống mại dâm nói riêng, đó là phổ biến các thủ đoạn, phương thức hoạt động mới của tội phạm hiện nay trên loa truyền thanh, bản tin địa phương và các đơn vị trường học hoặc thông qua việc lồng ghép với các hoạt động tại địa phương như tọa đàm, giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, hệ thống xe lưu động, đài phát thanh, truyền thanh….
Đồng thời Sở đã phối hợp với các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống mại dâm, đặc biệt chú trọng tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, công tác phòng, chống mua bán người cho 600 học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại thành phố Huế, huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà; cung cấp cho các địa phương 1.000 tờ rơi các loại về phòng chống ma túy, mại dâm và mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về phòng chống tệ nạn xã hội.
Cùng với đó, Sở Tư pháp cấp phát 15.000 tờ gấp tuyên truyền, 500 bản tin tư pháp, xây dựng 8 câu chuyện hòa giải về các lĩnh vực và đăng tải các bài viết lên trang Fanpage “Pháp luật với Cuộc sống” về phòng, chống tệ nạn xã hội; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; giải đáp pháp luật trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, Chuyên Trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; tổ chức 09 hội nghị phổ biến, giáo dục, pháp luật cho 540 báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, tập huấn viên cấp huyện và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Sở Du lịch chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tổ chức lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội trong các chương trình hoạt động, đặc biệt là lồng ghép thông qua các lớp bồi dưỡng kỹ năng du lịch cộng đồng tại các địa phương có hoạt động du lịch và các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cho các đối tượng tham gia phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã tổ chức 04 lớp tập huấn với 317 lượt cá nhân, tổ chức, đơn vị hoạt động dịch vụ du lịch tham gia. Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT) thực hiện và phát sóng chuyên mục Ống kính du lịch, phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế triển khai chuyên mục Thông tin Du lịch, phản ánh các tình hình an ninh xã hội liên quan đến ngành và quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế.
Sở Thông tin và Truyền thông ban hành các văn bản chỉ đạo các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện thực hiện xây dựng và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về nội dung phòng chống tệ nạn xã hội; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thường xuyên, liên tục, tập trung tới nhóm phụ nữ, trẻ em có nguy cơ cao; nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên và các hộ gia đình… tại các địa bàn trọng điểm, từ đó giúp người dân tự phòng ngừa, nâng cao cảnh giác đối với các loại tội phạm.
Công an tỉnh cũng tổ chức 26 lượt tuyên truyền về pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động mại dâm với hơn 500 người tham gia; lồng ghép phát thanh tuyên truyền 391 lượt tin thông báo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật để nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội cho quần chúng nhân dân.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục duy trì tốt hoạt động của câu lạc bộ “Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội”, “Tổ Phụ nữ tuyên truyền phòng chống tội phạm, mua bán phụ nữ trẻ em”, “Tổ Phụ nữ không có chồng, con, người thân vi phạm pháp luật, an toàn giao thông và tệ nạn xã hội”.  Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh... tích cực triển khai thực hiện kế hoạch công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại cơ quan, đơn vị.
Theo đánh giá, tội phạm về mại dâm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tiềm ẩn và vẫn diễn biến phức tạp trước hết xuất phát từ sự gia tăng các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định dẫn đến người dân không có thu nhập ổn định nên dễ bị cám dỗ trở thành tội phạm về mại dâm.
Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mại dâm là rất cần thiết, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng các đối tượng bị rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm tội nói chung và tội phạm về mại dâm nói riêng./.
Minh Hằng