Thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững từ góc độ bình đẳng giới
Diễn đàn “Thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững từ góc độ bình đẳng giới” do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam (thông qua Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ - UNWomen) đồng tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 10/3/2021.
Tham dự diễn đàn có: Bà Hà Thị Nga, UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UNWomen tại Việt Nam; cùng đông đảo các Đại sứ, đại diện Ngoại giao đoàn, Trưởng Đại diện các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ), tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW và một số địa phương.
Diễn đàn nhằm đóng góp vào tiến trình đánh giá 5 năm Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững –SDGs, hưởng ứng chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2021 do LHQ phát động “Phụ nữ trong lãnh đạo: Tiến tới một tương lai bình đẳng trong một thế giới có Covid-19”.
Nhân tố tích cực hướng đến sự thay đổi, phát triển bền vững
Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Mục tiêu phát triển bền vững đã được Việt Nam kiên trì thực hiện trong nhiều thập kỷ qua. Quan điểm phát triển bền vững đã được thể hiện rõ trong các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Mới đây, tháng 2/2021, Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đất nước theo hướng nhanh và bền vững.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam được LHQ đánh giá cao về sự cam kết và những thành tựu đã đạt được. Cùng với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động cả ở cấp độ tác động chính sách cũng như các chương trình, sáng kiến cụ thể. Các hoạt động này đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy vai trò, sự đóng góp và thụ hưởng ngày càng bình đẳng của phụ nữ trong xã hội.
Nêu rõ, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế, tác động tới phụ nữ trên nhiều khía cạnh (việc làm, thu nhập, sức khỏe, quan hệ trong gia đình, xã hội, cơ hội...), Chủ tịch Hội cho biết, ngoài dịch bệnh, ở Việt Nam, bão lũ, thiên tai nghiêm trọng càng tạo thêm nhiều thách thức cho quá trình phát triển đất nước. Trong các tình huống khủng hoảng đó, phụ nữ là một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, tuy nhiên, họ cũng là tác nhân tích cực để kiến tạo sự thay đổi.
Chủ tịch Hà Thị Nga mong muốn, thông qua Diễn đàn, Hội LHPN Việt Nam sẽ có thêm những sáng kiến, đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, nhất là các vấn đề về bình đẳng giới và ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Hội cũng khẳng định, Hội LHPN Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để triển khai các chương trình, đề án, hoạt động cụ thể như hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phụ nữ tham chính, phòng chống bạo lực giới, hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù... Các hoạt động của Hội sẽ tiếp tục hướng tới khơi dậy khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo cũng như phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Đại dịch Covid-19 làm gia tăng nhiều nguy cơ bất bình đẳng
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin liên quan về ảnh hưởng của Covid-19 đến những bất bình đẳng gia tăng đối với phụ nữ, trẻ em gái. Ông Kamal Malhotra cũng khẳng định: “Việt Nam đang có cơ hội tuyệt vời để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh Covid-19. LHQ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ nhân dân và chính phủ Việt Nam trong quá trình này”.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để trao đổi, phân tích sâu về những những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 gây ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó đặc biệt là ảnh hưởng tới tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Từ việc cung cấp nhiều thông tin có giá trị từ các khảo sát, đánh giá, phân tích và nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế, các ý kiến tại Diễn đàn đều có chung nhận định, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng những vấn đề về bất bình đẳng giới trong đời sống kinh tế- xã hội. Phụ nữ phải đối mặt với những thách thức lớn như: Nghèo đói và bất an kinh tế, mất việc làm, giảm thu nhập, mất an ninh về lương thực và di cư. Đại dịch đã làm gián đoạn việc làm trong nhiều nhiều ngành kinh tế có đông lao động nữ, trong khu vực phi chính thức, làm nông nghiệp, bán hàng rong... Phụ nữ cũng hạn chế trong tiếp cận đến các dịch vụ bảo trợ xã hội, trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ tài chính của Nhà nước.
Cùng với đó, bạo lực trên cơ sở giới tăng mạnh trong bối cảnh covid- 19, tác động nặng nề tới sức khỏe vật chất, tinh thần đối với phụ nữ. Phụ nữ phải làm nhiều công việc không được trả lương với số giờ tăng mạnh khi thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa trường học, học online, chăm sóc người già, trẻ em. Họ cũng ở trong môi trường thiếu an toàn hơn, hạn chế đi lại, hạn chế riêng tư, và khi bị bạo lực, họ cũng khó khăn hơn khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Phụ nữ và trẻ em cũng ít được tiếp cận với công nghệ thông tin hơn so với nam giới trong bối cảnh dịch Covid-19.
Những khuyến nghị đối với Việt Nam
Khuyến nghị được ông Kamal Malhotra đưa ra là các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong quá trình ứng phó với Covid; giải quyết những vấn đề còn tồn tại, cản trở sự tham gia vào quá trình ra quyết định của phụ nữ; hình sự hóa các hành động bạo lực giới trong bối cảnh Covid; tăng cường thu thập và phân tích các số liệu về giới; tăng cường tiếng nói của phụ nữ yếu thế....
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UNWomen tại Việt Nam tại Diễn đàn cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết thúc đẩy bình đẳng giới trong kế hoạch hành động của Việt Nam về SDGs và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030. Trong đó, cần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các chiến lược phục hồi do tác động của COVID-19 và lồng ghép các vấn đề trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới vào những nỗ lực tăng cường nguồn ngân lực cho tương lai (Bao gồm cả các kỹ năng trong khoa học, công nghệ, sáng tạo và khởi nghiệp), trong đó tập trung vào phụ nữ dân tộc thiểu số, những phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Cần đảm bảo có các dịch vụ chất lượng, được điều phối và lấy nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới là trung tâm, coi đó là một phần thiết yếu trong các nỗ lực ứng phó với Covid-19 và các trường hợp khẩn cấp khác. Đảm bảo các chính sách để tăng cường các dịch vụ chăm sóc cho trẻ em, người già, người ốm để giảm gánh nặng cho phụ nữ và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội. Tiến hành phân tích số liệu được phân tách giới, tuổi, tình trạng khuyết tật và những phân tổ khác, đặc biệt trong các lĩnh vực chưa được thu thập số liệu cho các chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới của SDGs.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn cũng diễn ra phiên tọa đàm với chủ đề “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ vì một tương lai an toàn và bình đẳng” – là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến trong thực hiện các mục tiêu SDGs, nhất là SDG 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, phát huy vai trò và sự đóng góp của phụ nữ để góp phần vượt qua thách thức trong bối cảnh Covid-19; Tăng cường sự quan tâm, phối hợp, cam kết, đồng hành của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với các mục tiêu với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo Hoilhpn.org.vn
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
23-01-2025 16:42 59
-
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
23-01-2025 14:35 19
-
Cha mẹ mất sớm, anh trai tật nguyền giúp em gái đến trường
23-01-2025 07:32 54
-
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
22-01-2025 09:30 59
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31