Xã hội
Xây dựng kế hoạch thực hiện Mục tiêu 8.7 xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức
02:48 PM 24/05/2019
(LĐXH) - Ngày 24/5 tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức ILO, UNICEF và các Bộ, ngành tổ chức Hội thảo Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu 8.7 nhằm chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm để xác định mục tiêu, thách thức, cũng như đưa ra giải pháp hữu hiệu và trách nhiệm của các bên trong thực hiện mục tiêu 8.7. Đến dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp; Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee; đại diện các Bộ Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thể thao, Văn hóa và Du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân… cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, xóa bỏ lao động trẻ em là một ưu tiên toàn cầu và được cả thế giới đồng thuận. Thông qua mục tiêu 8.7 của Mục tiêu Phát triển bền vững SDG, cộng đồng thế giới đã cam kết loại bỏ tất cả các hình thức lao động trẻ em vào năm 2025. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý hài hòa của các em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, ảnh hưởng tới tương lai của chính các em, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Số liệu tại Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy, trong số 1,75 triệu lao động trẻ em (chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em), chỉ có 45,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học (trên thế giới 32% lao động trẻ em không tham gia học tập). Lao động trẻ em trở thành vấn đề toàn cầu, đặt ra cho tất cả các quốc gia trên thế giới một thách thức, một trách nhiệm cần phải thúc đẩy hơn nữa trong việc thực hiện có hiệu quả việc xóa bỏ lao động trẻ em. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong giải quyết lao động trẻ em, thiết lập một khung pháp lý vững chắc để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện một số chương trình và dự án để giảm thiểu lao động trẻ em tại các cấp trung ương và địa phương.

Những cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em của Chính phủ Việt Nam thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách, bao gồm: Bộ Luật lao động năm 2012 đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên; Luật trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua tiếp tục có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng, của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020; Với sự hỗ trợ của Bộ Lao động Hoa kỳ, Việt Nam đã triển khai dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em”. Dự án đã có nhiều đóng góp cho việc triển khai các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn, triển khai các mục tiêu của Việt Nam trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động em. 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng nhấn mạnh giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chúng ta cần có sự tham gia tích cực, sự liên minh, liên kết chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Ông Chang Hee Lee: "Lao động trẻ em cản trở vấn đề phát triển bền vững nói chung"

Hiện nay, theo ước tính của ILO, có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên toàn cầu. “Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất đi các quyền của trẻ và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai”, giám đốc ILO tại Việt Nam nhận định. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ cho các nước trong việc thực hiện mục tiêu 8.7, Liên minh 8.7 đã được hình thành là đối tác toàn cầu cam kết thúc đẩy hành động, hành động dựa trên sáng kiến, tạo kiến thức và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tập hợp đối tác ở tất cả các cấp nhằm đạt được mục tiêu 8.7.

Việt Nam đã cam kết và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 8.7, Việt Nam là một trong 15 quốc gia tiên phong và đi đầu trong khu vực châu Á tham gia liên minh toàn cầu về 8.7. Việt Nam đang triển khai xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2019-2025 để thực hiện mục tiêu 8.7. Theo kinh nghiệm của các quốc gia, trong mọi vấn đề đều phải chốt được sáng kiến ưu tiên cho quốc gia để thực hiện nhanh chóng đến năm 2025. Ví dụ như Madagascar (trở thành quốc gia tiên phong từ tháng 10/2018), đối với vấn đề lao động trẻ em, họ tập trung tăng cường năng lực và nguồn lực của thanh tra lao động; thực hiện khảo sát lao động trẻ em và tạo cơ sở dữ liệu về lao động trẻ em. Hoặc như Nepal, đề ra chỉ tiêu cụ thể là đạt được 10 đô thị không có lao động trẻ em vào năm 2020. Riêng Việt Nam sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề lao động trẻ em trên các lĩnh vực như phòng ngừa lao động trẻ em trên lĩnh vực nông nghiệp, phòng lao động trẻ em liên quan đến kinh tế và chuỗi cung ứng, phòng ngừa di cư buôn bán trẻ em vì mục đích bóc lột kinh tế, phòng ngừa lao động trẻ em liên quan đến lĩnh vực giáo dục.  

Hội thảo sẽ tập trung đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu 8.7 của từng Bộ, ngành, tổ chức

Trong lộ trình xây dựng Kế hoạch quốc gia thưc hiện mục tiêu 8.7, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức rà soát chức năng, nhiệm vụ và và các hoạt động của Bộ, ngành, tổ chức liên quan đến lao động trẻ em và tổ chức 04 Hội thảo chuyên đề: Di cư, mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột lao động; Lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp; Giáo dục và Đào tạo với công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; về lao động trẻ em trong bối cảnh thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trẻ em để xây dựng giải pháp và hoạt động, nhiệm vụ trong thực hiện mục tiêu 8.7./.

Nguyễn Đăng Doanh

 

 

Từ khóa: