Văn hóa - Thể thao
Tiềm năng và thế mạnh của du lịch trong phát triển kinh tế ở Lào Cai
05:35 PM 29/07/2016

(LĐXH) - Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Lào Cai ngày một tăng, nhất là khi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai được đưa vào sử dụng.  Phát huy lợi thế vốn có cùng với việc triển khai thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của Nhà nước và của tỉnh, đến nay du lịch thực sự trở thành thế mạnh để phát triển kinh tế của Lào Cai.

Trong  05 năm (từ năm 2011 – 2015), lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng gấp 2,1 lần, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 22%. Tổng số khách du lịch đến Lào Cai năm 2011 đạt 968.970 lượt (trong đó, khách quốc tế đạt 439.620 lượt, khách nội địa đạt 529.350 lượt). Đến năm 2015, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt  2.100.000 triệu lượt (trong đó, đón được 718.000 lượt khách quốc tế và 1.373.000 lượt khách nội địa). Năm 2016, Lào Cai ước đón được tổng số 2.500.000 lượt khách; tổng thu từ du lịch ước đạt 6.300 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.  Dự kiến doanh thu du lịch năm 2020 của tỉnh đạt 10.260 tỷ đồng(tăng 2,6 lần so với năm 2015); và phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 21%, chiếm tỷ trọng 20% tổng GDP của tỉnh.

Mặt khác, Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thiện Quy hoạch đô thị Sa Pa, Bắc Hà. Đồng thời,đang xây dựng và hoàn thiện các Quy hoạch: Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, điểm du lịch Quốc gia thành phố Lào Cai; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai. Ngoài ra, Lào Cai đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2016-2020. Đến tháng 6/2016, Lào Cai có 18 tuyến, điểm du lịch, 08 tuyến du lịch địa phương, cộng đồng được công nhận chính thức và 11 tuyến, điểm du lịch địa phương cộng đồng được khai thác thử nghiệm.

 

 

Năm 2016, Lào Cai ước đón được tổng số 2.500.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 6.300 tỷ đồng,

tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

 

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng từng bước được nâng cao. Cụ thể, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào sử dụng từ tháng 9/2014; toàn tỉnh có 05 tuyến quốc lộ, 10 tuyến tỉnh lộ; 03 mác tàu với trên 20 toa dành cho khách du lịch; 07 hãng xe khách chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai – Hà Nội; 03 hãng xe khách chạy liên tỉnh với 947 đầu xe; 04 tuyến xe buýt nội tỉnh với 26 đầu xe.

Tính đến tháng 7/2016, toàn tỉnh có 662 cơ sở lưu trú với 8.680 buồng (tăng trên 200 cơ sở so với năm 2011). Trong đó, có 136 cơ sở lưu trú được xếp hạng sao với trên 3.000 phòng và 250 cơ sở homestay. Toàn tỉnh có 500 nhà hàng phục vụ du khách, hàng loạt các khu vui chơi giải trí đã và đang được hình thành như: Cáp treo Fansipan, Hàm Rồng, Cát Cát (Sa Pa), Hồ Na Hang (Bắc Hà)… Đến nay, tỉnh Lào Cai đã thu hút trên 20 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có một số nhà đầu tư là các tập đoàn lớn như: Sun Group, Vin Group, Mường Thanh, Dầu khí Việt Nam, Genting (Malaysia)…với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đã khai thác và phát triển tốt một số loại hình du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng Sa Pa, Bắc Hà; du lịch sinh thái, mạo hiểm, cảnh quan; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng gắn với nghề thủ công; du lịch chợ đêm; du lịch tham quan bản làng…Một số sản phẩm du lịch đặc trưng được báo chí nước ngoài đánh giá cao như: Tuyến đi bộ hấp dẫn ở Sa Pa; chợ văn hóa Bắc Hà; ruộng bậc thang Sa Pa…; chương trình du lịch caravan.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch cũng được chú trọng đầu tư, nâng cao về chất lượng. Từ năm 2011 đến nay, số lượng học viên đã qua đào tạo tại các trường nghiệp vụ du lịch là 1.068 người; bồi dưỡng định kỳ cho gần 1.000 hướng dẫn viên và thuyết minh viên; đào tạo gần 2.000 lượt cho du lịch cộng đồng. Lào Cai hiện có 8.226 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó, có 3.126 lao động trực tiếp và 5.100 lao động gián tiếp). Toàn tỉnh có 211 hướng dẫn viên và 335 thuyết minh viên du lịch.

Ngoài ra, Lào Cai cũng chú trọng vấn đề hợp tác quốc tế. Cụ thể, đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); hợp tác Lào Cai – ALPC (Cộng Hòa Pháp); hợp tác Lào Cai – EU; hợp tác với KOICA, hợp tác với JICA; hợp tác với SNV (Hà Lan) và Vancouver (Canada)...

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Lào Cai diễn ra ngày 08/5/2016 tại Lào Cai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh:“Cần phải coi du lịch là mũi nhọn, là sản phẩm đặc biệt nhất, có lợi thế so sánh nhất của Lào Cai; gắn việc phát triển kinh tế nói chung, phát triển du lịch nói riêng với bảo tồn và phát huy văn hoá, bảo vệ môi trường”. Ngoài ra, cũng cần chú trọng quảng bá,  giới thiệu tiềm năng, sức hấp dẫn, tôn vinh những giá trị văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên con người đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo dấu ấn để thu hút du khách và các nhà đầu tư… Tập trung phát triển các chương trình, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn./.

 

Thảo Lan

Từ khóa: